Bìa giai phẩm Tết Nguyên đán, 12C, Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, 1973-1974
Mẹ già phơ phất mái sương
Con thơ măng sữa vả đương phù trì
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
Nay một thân nuôi già, dạy trẻ
Nỗi quan hoài mang mể xiết bao!
Với hôm nay, người vợ hiền có thể khác xưa. Không còn là người chinh phụ Đông phương thuở trước. Không còn “sinh con là một cuộc liều, liều bao nhiêu cuộc bấy nhiêu đoạn trường” (Trần Tuấn Kiệt). Người chinh phụ hôm nay có thể một sớm một chiều mà đổi khác. Bởi như nhận định của một nhà thơ: chiến tranh không nằm một nơi nào nhất định. Chiến tranh ngay trên hè phố đầy lon hộp ngoại nhân. Chiến tranh trong ổ điếm. Trên môi trẻ con ngậm điếu Salem. Ngay trong tòa building cao ngất... Cho nên, ngày trở về có thể như khúc hát hôm nay:
Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Một mai xong việc nước non (5)
Anh về anh thấy Mỹ con anh bồng
Câu cuối nói lên sự chấp nhận cay đắng. Bởi không phương cách nào khác. Cái bi đát của cuộc chiến nầy là thế đó.
Tôi muốn trở về với người chinh phụ thuỷ chung kia. Bởi tôi đã thấy được một tấm lòng trong cảo thơm lần dở. Có lẽ đó là một thái độ bi quan, tuy nhiên vẫn là thái độ thích nghi nhất để trấn an lòng mình. Còn gì cảm động hơn:
Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá
Gương lầu Tần dấu đã soi chung
Cậy ai mà gởi tới cùng
Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư
Nhẫn đeo tay mọi khi ngắm nghía
Ngọc cài đầu thuở bé vui chơi
Cậy ai mà gởi tới nơi
Để chàng trân trọng dấu người tương thân
Kỷ niệm luôn luôn được nhắc nhở đến hình ảnh cũ, gợi lại chút dư âm của hạnh phúc để cuối cùng rưng rưng trong hoài niệm. Có thể kỷ niệm là chiếc bùa hộ mệnh cho khoảng ngày còn lại giá băng, lay lắt. Bây giờ nàng có đó, với đời sống hoang phế dù còn mẹ già và đàn con trẻ. Tuy thế, vẫn còn một chút hạnh phúc nhỏ nhoi mà hôm nay ta khao khát, bởi bom đạn đã khiến:
Những người đàn ông không có thì giờ để làm ái tình
Những người đàn bà không có thì giờ để cưu mang
Những bào thai không có thì giờ để ra đời
Những thân thể non không có thì giờ để yêu đương
Những người lớn tuổi không có thì giờ để già nua
Những kẻ bạc đầu không có thì giờ để chu toàn cái chết
(Kiệt Tấn)
Quê hương bây giờ với thành phố:
Xe plát-tít nổ giữa phố đông
Giữa phố đông người tung từng mảnh thịt
Với thôn quê:
Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm
Nơi vải thô không đủ để chít đầu con trẻ
(Trần Dạ Từ)
Bởi thế, cây hy vọng hầu như trơ trụi, không xanh um những chồi non lộc biếc như vườn hoa trước nhà nàng chinh phụ thuở trước.
Con người sống, cần phải thắp sáng ánh lửa hy vọng trong lòng giữa trí, bởi lẽ thiếu hy vọng con người sẽ hiu hắt sống đời sống của một nỗi chết buồn rầu, lạnh lẽo. Và hơn đâu hết, nghệ thuật là hiện thể cao độ nhất của ước mơ. Thiếu ước mơ, đời sống khô cỗi và nghệ thuật tiêu trầm. Nói cách khác, hy vọng chính là sức sống.
Người chinh phụ cũng thế. Niềm tin tưởng hướng về một ngày về của chồng được bày tỏ tha thiết, man mác sầu trong khúc ca đẹp và thực, huyền hoặc và uyển chuyển, diễn tả qua hành động mê tín đầy tính chất đàn bà:
Màn mưa trướng tuyết xông pha
Nghĩ thêm lạnh lẽo kẻ ra cõi ngoài
Đề chữ gấm phong thôi lại mở
Gieo bói tiền tin dở còn ngờ
Trong tác phẩm, ta còn bắt gặp những chi tiết tương tự như thế. Tất cả đều nói lên một tâm trạng được nuôi dưỡng bằng hơi thở của hy vọng. Hy vọng một ngày căng tràn nắng ấm, chan chứa tiếng cười hoan lạc của mùa xuân hạnh phúc:
Anh đã tin và tôi đã tin
Ngày quê hương cười bát ngát
(Tần Hoài Dạ Vũ)
Và khi đó:
Anh sẽ dạy con biết yêu tiếng Mẹ
Đem ca dao làm khúc hát tỏ tình
Sẽ cày ruộng ươm tằm nuôi chí trẻ
Bên bếp hồng kể sự tích Rồng Tiên
(THDV.)
Vì:
Đời chúng ta mưa nên đời con phải nắng
Thân thể chúng ta tật nguyền nên con phải đầy đủ chân tay
(THDV.)
Ước vọng, nói như một khẳng định, sẽ không bao giờ chết trong lòng người dù thực tế đã tận cùng bi đát. Lúc nào còn hơi thở là lúc đó niềm hy vọng còn thơm ngát như hương cau mỗi sớm.
Chiến chinh đồng nghĩa với giọt lệ. Nhưng trong giọt lệ ta còn tìm thấy nắng hồng của hy vọng, “trong tiếng khóc” còn tìm được “nụ cười xanh non” (Du Tử Lê).
Người chinh phụ vẫn chờ một sớm mai từ đằng xa thấp thoáng bóng người tình nàng nâng khăn sửa áo. Dù bây giờ vẫn:
Trời hôm, tựa bóng ngẩn ngơ
Trăng khuya, nương gối bơ phờ tóc mai
Há như ai hồn sai bóng lẫn
Bóng thơ thơ thẩn thẩn hư không
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo
Hình ảnh tiều tuỵ đó đã gây một chấn động trong lòng người đọc. Từng chữ là một tiếng nấc khô, héo hắt. Đọc từng câu để nghe cảm xúc dâng tràn.
Dưới một đêm trăng, trong một khuya về sáng, lẻ loi một mình, người chinh phụ như mất hồn thất bóng. Trái tim nàng như bay theo gió bụi bên chồng trên dặm trường thiên lý. Dung nhan từ đó vô ích:
Mặt biếng tô miệng càng biếng nói
Sớm lại chiều dòi dõi nương song
Nương song luống ngẩn ngơ lòng
Vắng chàng điểm phấn tô hồng với ai
Thời gian là con dao hai lưỡi. Ở đây, đã rạch nát trên mặt nàng những nét nhăn gấp nếp vì sầu nhớ tương tư. Là bàn tay đã ngắt đi những búp hoa trên thanh xuân nàng. Câu thơ chứa rất nhiều ẩn dụ đã nói lên điều đó:
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun
Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi
Câu thơ chảy dài cảm xúc như tiếng khóc cô đơn tha thiết nhất. Alfred de Musset đã nói: tiếng khóc trầm thống nhất là bài thơ hay nhất. Đây chính là đoạn thơ hay nhất. Cái hay của ngôn từ chải chuốt, đẽo gọt để chính xác diễn tả. Sương là biểu tượng của thời gian, đã bổ mòn gốc liễu là căn phần, thân phận nàng. Tuyết là nỗi băng lạnh cóng buốt của căm căm cô độc, xẻ héo cành ngô là màu xanh hy vọng trong trái tim nàng loang lổ, tả tơi.
Bao giờ cũng thế, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tiếng chim hót là tiếng mỉa mai. Hồi trống vọng là lời châm chích vào tâm hồn quạnh quẽ nàng:
Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt
Trống tiều khua, như đốt buồng gan
...
Vì chàng, lệ thiếp nhỏ đôi
Vì chàng, thân thiếp lẻ loi một bề
Quá đau đớn, nàng đâm nghi ngờ. Ở đây, người đọc có thể bắt gặp được nỗi lòng của nàng, tâm lý của người nữ với ánh mắt cho đi quá nhiều thương nhớ nhưng nhận được chỉ bóng hư vô:
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để vàng bởi tại bóng dương
Hoa vàng hoa rụng quanh tường
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần?
Nghệ thuật tuyệt vời khi láy đi láy lại tiếng “hoa”, khiến cho người đọc cảm thấy màu vàng của hướng dương bay tan tác, mênh mang, và thấy rõ được một dung nhan tâm hồn, một tấm lòng vàng rơi tàn từng cánh, từng cánh.
Gió bụi của chinh chiến khiến một hồng nhan tuyệt vời thành một kẻ già nua buồn bã. Nụ cười trở thành hiếm muộn và dư thừa giọt lệ mỏi mòn sầu nhớ.
Tâm hồn của nàng đã được vẽ lại thành một dòng thơ chan chứa những hình ảnh màu sắc buồn rầu, khô chết. Thơ như thế không còn là thơ, đó là một hành động mãnh liệt và nhiệt tình nhất để phản đối chiến tranh. Tài hoa của Đặng Trần Côn quá đỗi tuyệt vời. Dòng tâm khấp của người chinh phụ được dàn trải bằng chính máu của thi sĩ.
Trở lại trong hầm tối của ông năm xưa, tôi thấy một bóng hình tiều tuỵ, bơ phờ đang gục trên bàn, vách lay lắt ngọn đèn vàng úa sắp tắt. Người đời vẫn nghĩ theo một truyền thuyết, Nguyễn Du khi sáng tác tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” đã phải lót sách để nằm, và từ đầu hôm cho tới sáng, khi dòng cuối dứt, người đã già đi hai mươi tuổi, tóc râu thậm thượt, xác xơ, trắng xoá. Tôi tin chắc Đặng Trần Côn cũng thế, và mọi nghệ sĩ đều khổ như một câu thơ của người xưa:
Người đẹp phận thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Bên ngọn đèn cạn dầu, Đặng Trần Côn với đôi mắt trắng đục, người đã thấy gì ở chung quanh? Có phải mỗi phân vuông trên bức vách của căn hầm ẩm thấp, lạnh lùng là một đôi mắt nhưng của muôn ngàn chinh phụ đang căm căm não nuột ngó nhìn?...
Tôi đã hỏi, đã tưởng tượng rồi chẳng bao giờ có thể tự đáp cho chính mình. Bởi tôi váng vất, say mê, choáng ngợp trước vẻ toàn bích của tác phẩm đong đầy máu lệ đó. Tôi rong ruổi, lết lê theo từng chữ từng câu. Những thoáng của hiện tại hoà nhập với từng giây của thuở xưa xa lắc. Tôi quên và nhớ. Tôi sáng suốt đến ráo hoảnh và u mê như bóng đêm đen đúa. Tôi lạc loài trong tác phẩm. Những giòng chữ nầy được viết ra trong một tâm trạng như thế nên có thể đảo lộn, xoá bỏ mọi trật tự thông thường. Có thể đặt tên cho nó là gì? Biên khảo, tuỳ bút, tâm bút vân vân. Tôi gọi đó là giao bút, là một thoáng gặp gỡ giữa hồn và hồn, trong tháng ngày quạnh quẽ tôi sống hôm nay...
... Hégel nói: thơ là ngôn ngữ mới nhất. Một nhà thơ nói: thơ là hành động mới nhất. Tôi muốn nói: thơ là nơi hẹn hò gặp gỡ mới nhất trong cuộc bụi lầm thống khổ này.
Nói theo một triết gia: không ai tắm hai lần trong một giòng sông. Một học giả nói: không ai đọc hai lần một tác phẩm. “Chinh phụ ngâm khúc” trên bàn viết của tôi ngày mai sẽ thế nào? Không biết, nên trân trọng ghi lại và đọc lớn cho bạn bè cùng nghe cảm giác hôm nay để đánh dấu một bước đi trong cuộc đời của người viết./.
Trần Xuân An
Đêm 08.02.1973 (6)
__________________________
Chú thích: Tôi (TXA.) đã gõ phím vi tính lại bài viết này vào tối 12-9 HB11 (2011). Tôi giữ đúng y nguyên văn trên bản in ronéo, kể cả cách chấm câu, có khá nhiều dấu chấm tu từ. Tuy vậy, tôi cũng đã chỉnh sửa lại một ít chữ sai lỗi chính tả (dấu hỏi, dấu ngã) và điền vào vài chữ bị sót, sửa vài chữ bị lầm lẫn, khi Ban Báo chí của lớp cho đánh máy trên giấy sáp (stencil). Đó chỉ là những lỗi về kĩ thuật in ấn, chứ không phải lỗi về diễn đạt hay ý tưởng. Xin vui lòng đối chiếu với ấn bản ronéo (1973-1974), tôi đã quét chụp (scan) lại.
(*) Giai phẩm gồm các tác phẩm (thơ, văn, nhạc, tranh...) của các tác giả (học sinh cùng lớp 12C, PCT., ĐN., 73-74): Đỗ Nguyễn Anh Xuân, Phan Sơn Ca (Phan Văn Hoà?), TR.-CHP. (Cao Hùng Phi), Trung Nguyên Huyền Vũ (Võ Văn Tám, Võ Nguyên?), Hà Như Bích, Vũ Trung (Vũ Văn Trung?), Nguyễn Phan, Lê Thị Ngọc Lan, Nguyễn Hân, V.D., Lê Thiêm Xuân (viết tại Trung Hoá?), Lê Thị Thanh Hằng, Nguyễn Hiền, Trần Xuân An, Phi (Cao Hùng Phi?), Nguyễn Tấn Đức, Phạm Ngọc Văn, Trần Thuỵ Châu, Ngọc Lan, ĐX. Mỹ (Đoàn Xuân Mỹ), Phan, Bích Loan, Xuân Lộc (Nguyễn Thị Xuân Lộc), Nguyễn Minh (Nguyễn Hưng Minh Tâm?)...
(**) Chữ kí, thủ bút lưu niệm của các bạn trên bản giai phẩm Phùng Văn Hoàng trao cho tôi: Phạm Hồng Thắng, Nguyễn Hiền, Trang, Trần Thị An, Lệ Nhung, Bích Loan, Bích Hải, Bình (Trần Xuân Bình?), Hồng, Lệ Xuân, Bê, Tâm (Tâm cận), Nguyễn Trung, Ánh Tuyết, H. Sanh, Tôn Thất Vạn, Tri, Võ Ngọc Bích... và tôi (Trần Xuân An). Cũng có vài bạn khác kí tên, ghi thủ bút nhưng không ghi tên họ.
(1) Có lẽ ở ngữ cảnh này, chỉ dùng từ “cô độc” (một mình), nghiêng về nghĩa thực trạng hoàn cảnh sáng tác.
(2) Chỉ là một cách nói cường điệu để nhấn mạnh sự cảm thụ văn chương không chỉ bằng kiến thức văn học, thuộc về trí tuệ (cái đầu), mà còn bằng năng lực và phẩm chất tâm hồn (trái tim)...
(3) Các chủ nghĩa (học thuyết) ở Miền Nam Việt Nam lúc đó (các chủ nghĩa chính trị: Cần lao – Nhân vị – TCG.; chủ nghĩa tự do [chống cộng]; chủ nghĩa trung lập [con đường thứ ba]...).
(4) Theo thông tin sau Ngày Thống nhất: “Người em” trong bài “Màu tím hoa sim”, là Lê Đỗ Thị Ninh, vợ của nhà thơ Hữu Loan. Vào tháng 5 năm 1949, cô Ninh mất, khi mới 16 tuổi, do chết đuối, chứ không phải do súng đạn chiến tranh.
(5) “Việc nước non” theo quan niệm của người lính chế độ cũ.
(6) Có lẽ chính xác là: Đêm 08-12-1973 (mùng tám, tháng mười hai, năm một chín bảy ba).
