sông mềm thơm quai lụa nón bài thơ
biểu tượng Huế
lung linh:
gương mặt cô bé
láng giềng thuở nhỏ
sông lấp loáng
cuộn phim
giăng ngang núi rừng – biển khơi
kỉ niệm Huế không
mờ:
in bóng người
anh hùng nô lệ
rời trang thơ
mộng tưởng học trò
sửng sốt ngẩng
đầu trông bức tranh vòi vọi
cắt theo dáng
hình người nô lệ vung gươm
Spartacus lồng
lộng, ngỡ chạm mây trời
cao vời, cao
vượt đỉnh nhà hát lớn nguy nga
cao vời, cao vượt
ngọn ngô đồng lực lưỡng
được vẽ bởi chàng
hoạ sĩ phất dọc vẩy ngang
những nét chổi
màu, tài hoa, phóng túng (1)
thập niên sáu
mươi thế kỉ vừa rời xa
hình tượng
Spartacus công cụ khai thác mỏ
và đấu sĩ nô lệ
vẫn Spartacus
tủi nhục và anh hùng
vẫn Spartacus
trong sạch và cao thượng (2)
đế chế La Mã xâm
lăng rạn nứt lung lay
trước mấy năm
quật khởi rền vang động đất
hàng chục vạn nô
lệ máu trào núi lửa
xem phim xong ra
đứng cạnh bờ sông
lặng mình
ngắm hình tượng
Spartacus
trước hành lang nhà hát
bóng anh hùng nô
lệ cổ xưa
in vào lòng tuổi nhỏ
in vào dòng
Hương – cuộn phim
giăng ngang thành phố Huế
dăm hôm sau
trên trang vở cô
bạn học láng giềng
rực rỡ Spartacus
lồng lộng cao vời
trước nhà hát lớn
được vẽ lại bằng
đôi tay ngòi bút mảnh mai
nhưng cây ngô
đồng, bất ngờ, thành thập tự giá
như trong phim,
Spartacus bị đóng đinh
bởi đế quốc La Mã
Spartacus! Spartacus!
ông đích thực là đấng cứu rỗi
nở sinh từ khát vọng muôn triệu nô lệ khốn cùng
đã biết cùng ông, theo gương ông, tự cứu
nhà hát lớn Hưng Đạo suốt cả hai tuần
trở thành giáo đường nghệ thuật
giáo đường hình tượng Spartacus
chiếc nón bài thơ cô bạn học láng giềng
quai lụa sông Hương mềm thơm
giữa mười sáu vành chằm lá trắng ngà
có cây thập tự và chữ Spartacus
khi soi lên dưới ánh nắng trời
còn tôi
tôi muốn cầm dòng sông Hương lên trên tay
soi lên dưới ánh nắng trời
chiêm ngưỡng hình tượng Spartacus
và thập giá của chính ông
(chứ không phải Jésus!)
in bóng vào dải lụa màu lam ngọc đó
in bóng vào dải phim giăng ngang Huế đó
cho dù bao nhiêu năm xa xôi
tôi còn nhớ quãng đường, một chiều tuổi nhỏ
từ Hưng Đạo không quay vô Thượng Tứ
tôi bước về Đông Ba
để được đi trên đường Mai Thúc Loan
(anh hùng nô lệ nước mình thời cổ đại)
để khóc trên đường Âm Hồn
(Huế quật khởi, bi hùng máu chảy
ngày quảy chung
23 tháng năm)
trời nơi đây xưa
buồn tím tái
thuở hẹn một
ngày bừng sáng nước non
sáng bừng Đất và
Nước
con đường bốn
ngàn năm.
T.X.A.
Tết Giáp Ngọ, 06-02 HB14 (2014)
(1) Hoạ sĩ chuyên vẽ tranh quảng cáo ở các rạp chiếu
bóng tại Huế thuở đó, kí tên là Lê Vinh. Nghe nói hoạ sĩ này bị cụt một tay
(?).
(2) Chú thích quan trọng: Phim “Spartacus,
anh hùng nô lệ” được sản xuất vào đầu những năm 60/XX, trình chiếu tại Huế
vào khoảng cuối thập niên ấy; không phải là những phim cùng đề tài được sản xuất
gần đây, đầy rẫy những yếu tố không lành mạnh.
