SÁU BẢN CHỈNH SỬA BẢN DỊCH
“NAM QUỐC SƠN HÀ”
1) Bản chỉnh sửa thứ nhất:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Núi sông nước Việt vua Nam ở
Đã định rành rành tại sách trời
Lũ giặc cớ sao xâm phạm đến?
Chúng bay sẽ bị đánh tan thôi!
2) Bản chỉnh sửa thứ hai:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi nước Nam, Nam đế ngự
Rành rành, định ở sách trời rồi
Giặc sao trái nghịch sang xâm phạm?
Bay sẽ thấy rằng, chuốc bại thôi!
3) Bản chỉnh sửa thứ ba:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Nam đế – Nước Nam – sông núi Người
Rành rành, định ở sách trời rồi
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy rằng, chuốc bại thôi!
4) Bản chỉnh sửa thứ tư:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Nam đế – Nước Nam: sông núi Ngài
Rành rành định cõi, sách trời đây
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy rằng, chuốc bại ngay!
5) Bản chỉnh sửa thứ năm:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông núi Nước Nam, Nam đế giữ
Rành rành định cõi, sách trời ghi
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy ngay, chuốc bại nguy!
6) Bản chỉnh sửa thứ sáu:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Đất nước Nam, Nam đế giữ y
Rành rành định cõi, sách trời ghi
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy ngay, chuốc bại nguy!
(Trần Xuân An tham khảo các bản dịch khác)
12 – 16-11 HB15 (2015)
.
.
Tôi thử chỉnh sửa đến 6 bản (6 lần), nhưng vẫn thấy chỉ đạt về niêm luật (sơ đẳng!) và sát ý của bài thơ nguyên tác. Rốt lại, chỉ thấy tâm đắc câu thứ ba: “nghịch lỗ” là từ ghép, được tách ra khi dịch, nhưng lại đạt ý hơn (xét về văn lí, tức là logic của tứ thơ), và bám sát từng từ một trong câu.
.
.

.
.
.
VỀ CÁC BẢN CHỈNH SỬA BẢN DỊCH BÀI THƠ NÀY:
1) Xem lại phần giải trình cách dịch theo link:
https://txawriter.wordpress.com/2015/11/13/gop-y-ve-ban-dich-bai-nam-quoc-son-ha-tren-facebook/
.
2) XEM THÊM: ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ NGUYÊN TÁC “NAM QUỐC SƠN HÀ” VỚI BẢN DỊCH (Trần Xuân An):
https://txawriter.wordpress.com/2015/11/17/doi-chieu-tu-ngu-nguyen-tac-nam-quoc-son-ha-voi-ban-dich/
3) SÁU BẢN CHỈNH SỬA BẢN DỊCH “NAM QUỐC SƠN HÀ”:
https://txawriter.wordpress.com/2015/11/16/nam-ban-chinh-sua-ban-dich-nam-quoc-son-ha/
.
C. Bài góp ý 3:
ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ NGUYÊN TÁC “NAM QUỐC SƠN HÀ” VỚI BẢN DỊCH
Trần Xuân An
南國山河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 分 定 ( 定 分 ) 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛
Đối chiếu nguyên tác (bản chữ Hán, đã phiên âm rất chuẩn) với bản dịch thơ (dịch vần) tiếng Việt:
1) Câu thứ nhất:
– Nam quốc sơn hà: Sông núi Nước Nam.
– Nam đế cư: Hoàng đế Nước Nam chiếm giữ (sở hữu) = Nam Đế giữ [y]. Chữ “đế”, cao hơn “vương”. Không ai có thể phong đế, trừ việc lên ngôi hoàng đế do mệnh trời. Nguyên nghĩa “cư” là “giữ”, có nghĩa chính là chiếm giữ một lãnh thổ để lập quốc, đồng thời cũng có nghĩa giữ thiên chức hoàng đế. Ngoài ra, “giữ [y]” cũng được hiểu là gìn giữ bờ cõi y nguyên theo ranh giới (Việt – Hoa), phân định theo sách trời thuở thế kỉ X—XI, phù hợp với văn lí được triển khai ở ba câu thơ tiếp theo.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
(Sông núi Nước Nam, Nam đế giữ)
(Sông núi Nước Nam, Nam đế y)
2) Câu thứ hai:
– Tiệt nhiên định phận (phân định): Rành rành, rạch ròi phân giới, định cõi lãnh thổ quốc gia.
– Tại thiên thư: Ở sách trời (sách ghi thiên mệnh), được dịch: Sách trời ghi (chép). Bỏ giới từ “ở” (tại), thêm động từ “ghi”. Đây là dịch đúng ý, giữ nguyên ý, chỉ đổi duy nhất một từ. Ưu điểm là rõ ý hơn.
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
(Rành rành định cõi, sách trời ghi)
3) Câu thứ ba:
– Nghịch lỗ: “nghịch lỗ” (bọn giặc bội nghịch [với thiên mệnh – sách trời]) là từ ghép, được tách ra khi dịch, nhưng lại đạt ý hơn (xét về văn lí, tức là logic của tứ thơ).
– Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm: Trọn câu này vẫn được bám sát từng từ một trong câu (như hà: tại sao; lai: đến; xâm phạm, giữ nguyên khi dịch ra tiếng Việt).
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
(Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?)
4) Câu thứ tư:
– Nhữ đẳng hành khan: Chúng bay sẽ thấy rằng, thấy ngay. Từ “hành” (phó từ) có nghĩa là sắp, sẽ. “Sẽ” ở đây biểu thị sự thấy ra, biết ra, được diễn ra ở thì tương lai gần, nên thêm chữ “ngay” (tức thì, tức khắc).
– Thủ bại hư: Chuốc lấy thất bại, không được gì. Bại nguy là thất bại, nguy khốn.
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Bay sẽ thấy ngay, chuốc bại nguy!)
Kết luận:
– Ngoại trừ một giới từ “ở” (tại) bị thay thế bằng động từ “ghi”, còn lại 27 từ trên 28 từ (27/28) của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đều được dịch sát đúng từng từ.
– Đây là một bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt cổ, không có tiểu đối. Vì thế, chỉ gồm hai câu đề và hai câu kết của bài thơ thất ngôn bát cú. Về vần chân (cước vận), dù tứ tuyệt hay bát cú, thì câu một và câu hai có thể đều là vần bằng, hay đều là vần trắc (bài “Vịnh làng Tam Chế” của Lê Thánh Tôn *), hoặc câu một vần trắc, câu hai vần bằng (như bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu). Nguyên tác là bốn câu ba vần bằng, nhưng chỉ dịch thành bốn câu hai vần bằng, thì vẫn hợp thể, đúng luật:
Sông núi Nước Nam, Nam đế giữ
Rành rành định cõi, sách trời ghi
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy ngay, chuốc bại nguy!
Hay vẫn theo thể “bốn câu ba vần”:
Sông núi Nước Nam, Nam đế y (**)
Rành rành định cõi, sách trời ghi
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy ngay, chuốc bại nguy!
T.X.A.
17-11 HB15 (2015)
—————————————–
(*) Vịnh làng Tam Chế
Bóng ác non đoài ban xế xế
Bỗng đâu đã tới làng Tam Chế
Mênh mang khóm nước nhuộm mầu lam
Chận ngất đỉnh non lồng bóng quế
Chợ họp bên sông gẫm có chiều
Thuyền bày trên bãi xem nhiều thể
Cảnh vật bằng đây họa có hai
Vì dân khoan giảm bên tô thuế.
Lê Thánh Tôn
(**) Có thể dịch câu thứ nhất này như sau: Đất nước Nam, Nam đế giữ y, để bản dịch vẫn đúng bốn câu ba vần. Bản thân cụm từ “Đất nước Nam”đã bao hàm sông núi và cả Nước Nam (là một quốc gia, một đất nước, với nghĩa là một Nước hẳn hoi, chứ không phải là quận, huyện, vùng lãnh thổ…). Vả lại, nhan đề bài thơ ở bản dịch đã khẳng định SÔNG NÚI NƯỚC NAM rồi. Có điều, câu thơ ở nhịp 3/4, chứ không phải 4/3:
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Đất nước Nam, Nam đế giữ y
Rành rành định cõi, sách trời ghi
Giặc sao trái nghịch qua xâm phạm?
Bay sẽ thấy ngay, chuốc bại nguy!
.

.
.

.
Xin lưu ý ở tấm ảnh chữ thứ hai: Bản 1 và bản 2 trong tấm ảnh chữ tức là bản dịch thứ 5 và thứ 6 trên trang web này.
.
VỀ CÁC BẢN CHỈNH SỬA BẢN DỊCH BÀI THƠ NÀY:
1) Xem lại phần giải trình cách dịch theo link:
https://txawriter.wordpress.com/2015/11/13/gop-y-ve-ban-dich-bai-nam-quoc-son-ha-tren-facebook/
.
2) XEM THÊM: ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ NGUYÊN TÁC “NAM QUỐC SƠN HÀ” VỚI BẢN DỊCH (Trần Xuân An):
https://txawriter.wordpress.com/2015/11/17/doi-chieu-tu-ngu-nguyen-tac-nam-quoc-son-ha-voi-ban-dich/
3) SÁU BẢN CHỈNH SỬA BẢN DỊCH “NAM QUỐC SƠN HÀ”:
https://txawriter.wordpress.com/2015/11/16/nam-ban-chinh-sua-ban-dich-nam-quoc-son-ha/
.