- Như vậy, kênh
nước đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại trở thành các loại kênh truyền hình,
internet rồi chắc? Và nhiều loại kênh thông tin, tuyên truyền khác nữa! – Tre
nói –.
- Không dám đâu, anh Tre! Đừng suy diễn. Đó là bạn
Ánh Sương trêu Sông Xanh đó mà!
- Trêu gì! Trong thực tế, gần hai năm nay, trong
tủ sách nhỏ của Sông Xanh, sách chuyên môn đang học thì ít, mà sách văn học,
văn hoá – xã hội, nhất là sử học thì nhiều! – Ánh Sương nói với nụ cười –.
- Như thế cũng tốt, chứ sao! – Tre lại nói –. Đúng
là các loại kênh truyền thông, giáo dục của nước mình từ lâu rồi bị ô nhiễm quá nặng, thành các kênh nhọ đen... Nhưng thôi, bọn mình nói
chuyện gì khác đi. Dù sao cũng thật là đáng quý khi chúng mình bất ngờ được gặp
mặt nhau thế này, không phải trên thế giới ảo Facebook!
- Hai bạn và Tre có nhớ đến cô giáo, nghệ sĩ Sông
Hiếu không? Ánh Sương và Sông Xanh nhớ thành viên Facebook đó chứ? – Trưng
ngoái qua hai người bạn nữ, và nói –.
- Thì cũng trong nhóm Facebook mà! Sao không nhớ! – Sông Xanh nói –.
Tre rút điện thoại di động ra, tìm tên Sông Hiếu, và bấm gọi ngay.
Trong khi nghe chuông đổ đằng kia đường sóng điện, Tre chợt tự trách mình nhanh
nhẩu đoảng, có lẽ do vui mừng được gặp hai người bạn nữ Thành phố Hồ Chí Minh
này. Biết đâu, giờ này, Sông Hiếu đang bận phải giảng dạy!
Nhưng Tre lại cười vui, vì sau khi anh hỏi Sông Hiếu có rảnh không,
Sông Hiếu đáp là có. Tre liền nói với Sông Hiếu về cuộc gặp gỡ bất ngờ này của
họ, rồi chuyển điện thoại cho Sông Xanh.
Một cuộc chuyện trò với điện thoại chuyền tay cả bốn người thật vui
vẻ.
Buổi chiều, nắng vẫn còn rực rỡ, chói chang, nhưng may là công viên
của bệnh viện có nhiều gốc cây rợp bóng mát và những khuôn hoa tươi tắn.
4
Nhà bạn cũ của ông Trảng không có nhiều phòng, mặc dù vẫn còn thừa
đất làm sân, trồng hoa và dựng chuồng chim bồ câu. Đây là loại nhà đất thường
thấy ở nông thôn, mặc dù địa chỉ chính xác thuộc quận Thủ Đức, tại thành phố
đông và rộng nhất nước này.
Theo nhã ý của vợ chồng bạn cũ, ông Trảng đã được hai người con trai
song sinh đưa về ngôi nhà ấy để tạm ở, tiếp tục uống thuốc theo đơn bác sĩ đã
kê. Vết mổ đã ổn định, đang đơm da non, nhưng vẫn chưa đến ngày tháo băng bột.
Sáng nay, cả hai vợ chồng bạn đã đi làm. Nhà chỉ còn ba cha con ông
Trảng.
Như đã hẹn với ông Xuân (1), một bạn cũ khác, vốn là người đồng
hương Quảng Trị, nên ông Trảng đã bảo con trai gấp lại chiếc giường xếp mà chủ
nhà đã dành cho ông, được đặt tại phòng khách. Gối kê đầu dành cho Tre và
Trưng, để hai chàng trai này đặt ngay tại một khoảng nền trống, nơi họ nằm kề
bên giường sắt gấp của ba, cũng đã được dọn đi. Phòng khách lại gọn nhưng
thoáng, như những ngày ba cha con họ chưa vào đây tạm trú.
Ông Trảng ngồi trên ghế sa lông, chiếc nạng gỗ đặt một bên.
Và rồi ông Xuân đã đến. Tre đi nhanh ra mở cổng, với nụ cười cảm
mến.
Ông Xuân dựng xe gắn máy trên sân, nơi ông Trảng ngã xuống vào tuần
trước, giờ đây còn phải chịu nông nỗi này. Ông bước vào nhà cùng với Tre.
Hai người bạn cũ đã đứng tuổi gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Trưng từ
nhà sau, bưng tới hai li nước, đặt trên bàn, khẽ mời ba và chú Xuân.
Ông Xuân đặt một gói nhỏ, bên trong là một hộp sâm khô thái lát, vào
tay của bạn.
- Thật là không may! Ở ngoài mình vào thăm bạn bè, chưa được vài
hôm, anh đã bị tai nạn thế này! Nhưng rồi cũng tai qua nạn khỏi, phải không
anh? – Ông Xuân nói, an ủi bạn –. Cũng nhờ Tre gọi điện thoại báo tin, chứ
không thì làm sao tôi biết để tới thăm anh!
- Cảm ơn bạn Xuân nhiều lắm. Tôi vào đây, chưa kịp đến nhà bạn để
thăm, lại gặp phải tình cảnh khiến bạn phải đến thăm tôi! – Ông Trảng cười
gượng, nhưng vẫn rất thân tình –.
Câu chuyện giữa hai người bạn cũ lại dẫn đến đầu đạn AK trong cẳng
chân ông Trảng 43 năm nay. Ông Trảng bảo Trưng mang đầu đạn được gói trong
miếng gạc ra, và ông mở, đưa cho ông Xuân xem. Ông Xuân cầm trên tay, xúc động:
- Thế mà lại hay cho anh! Đây thật đúng là vết tích cụ thể, rất cụ
thể, của chiến tranh. – Ông Xuân diễn ra thành văn xuôi hai câu thơ tâm đắc của
mình –. Người lính Việt Nam
hai chiến tuyến bắn nhau thật, nhưng thật sự là không phải bắn nhau, mà bắn
những ngoại xâm nhân danh khai hoá, đồng minh, đồng chí, giải phóng, sau lưng
nhau mà thôi!
- Bạn Xuân có còn nhớ bài ca dao Kẻ Diên “Tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn...” không?
- Làm sao mà quên được, anh Trảng! – Ông Xuân vẫn nhìn vào đầu đạn
trên tay –. Đầu đạn này nhắc anh đến bảy cái trứng ung của con gà mái và ba con
gà con của nó đã bị diều tha, quạ bắt, cắt lôi?
- Tuy không đến nỗi túng quẫn, nhưng tôi cũng đang ít nhiều bị xui
xẻo như vậy. Và tôi đang nhớ đến cách giải mã của bạn về cảnh huống tận cùng bi
đát trong bài ca dao, đặc biệt là câu bạn nói hồi nào đó: Hình như bài ca dao
này có chứa đựng tinh thần phản chiến, phản ánh hoàn cảnh trai thiếu, gái thừa
và gần như cảnh diệt chủng do gươm đao súng đạn mang lại!
Ông Xuân cười ngậm ngùi:
- Vì tôi ngẫm nghĩ, dường như qua việc liệt kê dài dằng dặc, lặp đi
lặp lại các điệp từ, điệp ngữ, để diễn tả từ cái trứng thứ nhất đến cái trứng
thứ bảy, người nông dân ngày xưa đâu chỉ nói đến những cái trứng gà không có
trống, mà nói đến những năm tháng thanh xuân của bao người con gái, bao phụ nữ
không chồng, vắng chồng, chết chồng vì chiến tranh. Và cũng tương tự như thế,
dường như khi liệt kê, dùng điệp ngữ, để nói về ba con gà con đã có cơ may nở ra,
chào đời, nhưng bị chiến tranh tha mất, bắt đi, lôi khỏi cuộc sống... – Ông Xuân
nói, nén xúc động –. Anh lại nhớ đến điều đó sao?
Ông Trảng cũng cười buồn:
- Cầm đầu đạn chiến tranh hiện đại này, làm sao không liên tưởng đến
tinh thần tố cáo chiến tranh thuở xưa... hình như là nội chiến Trịnh -
Nguyễn... phải không bạn?
- Thì cũng dường như, hình như vậy thôi. Và thù oán trong bài ca dao
Kẻ Diên thứ hai, bài “Một vác tre” ấy,
hình như cũng là thù oán thời chiến tranh... Thậm chí, đó có thể là phản ánh sự
phá hoại hậu phương của đối phương trong chiến tranh... – Ông Xuân lại cười
buồn –. Nhưng, cũng giải mã một cách dè đặt thôi. Có thể ở tầng sâu ý nghĩa là
như vậy!
Tre và Trưng vẫn đang ngồi cạnh ba và chú Xuân, lắng nghe. Sau một
quãng im lặng giữa họ, Tre hơi ngập ngừng rồi anh thấy cũng cần phải nêu ra:
- Thưa ba và thưa chú, cháu rất xúc động khi nghe chú giải mã về
tầng sâu của hai bài ca dao Kẻ Diên. Tuy vậy, ở bài “Mười cái trứng”, cháu thấy hình như có gì đó như là rẻ rúng thân
phận bao người con gái, phụ nữ ngày xa xưa, khi so sánh ngầm họ với con gà mái
bất hạnh, mặc dù thủ pháp nhân hoá là rất thông thường!
- Chú đã nghĩ đến điều đó, nên chú cũng rất dè đặt đưa ra cách giải
mã như rứa. – Ông Xuân nhìn Tre với nụ cười quý mến trên môi –. Có điều, chắc
cháu Tre biết thành ngữ khá phổ biến, đến nay mình vẫn còn dùng, đó là “cầm vợ đợ con”. Ngày xưa, vợ con như là
hàng hoá! Cháu cũng biết chi tiết Cái Tý
và ổ chó trong tiểu thuyết “Tắt đèn”
của Ngô Tất Tố. Cái Tý là một bé gái ngoan nhưng vẫn chỉ là một món hàng hoá,
bị đặt ngang với ổ chó! Bối cảnh của “Tắt
đèn” là khoảng những năm 20, 30 của thế kỉ XX, cách đây cũng chưa phải là
xa lắm, nữa là thời đoạn mà chúng ta phỏng đoán là quãng Trịnh - Nguyễn phân
tranh, chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, từ 1558 đến 1789, 1802, chủ yếu bảy
trận trong vòng 45 năm, từ 1627 đến 1672! Vì rứa, Tre à, có thể ở bài “Mười cái trứng” chỉ là biểu đạt bằng
phép ẩn dụ ta thường thấy trong văn chương, nhưng cũng có thể lưu dấu vết của
thời chiến tranh xa xưa, trong đó có cảnh mua bán người lao động là nữ giới. Tuy
không phải là “chợ người” hẳn, nhưng không phải không có những người nữ thất
thế, neo đơn, nghèo khổ tìm đến chốn đông người là chợ để mong có ai đó cần
người cày cuốc, chăn nuôi... – Ông Xuân nói –. Tiếp cận ở bình diện lâu nay là
tiếp cận về cái thời vận cá nhân xui xẻo, đen tối, bế tắc, tức là cái thời vận có
tính siêu hình, còn tiếp cận ở bình diện này lại có tính xã hội, tính hiện thực
rõ rệt (2).
- Dạ vâng. Cháu hiểu rồi... Ngày xưa, tội nghiệp quá!
- Chú biết cháu và Trưng rất thích hai bài ca dao Kẻ Diên này. Chú
có nghe nói cháu đã nhờ nghệ sĩ Sông Hiếu diễn ngâm, đọc diễn cảm, thu vào đĩa
CD.
- Dạ, cũng cách đây mấy tháng rồi chú à. Cô ấy ngâm, đọc hay lắm...
Tre chợt hỏi, khi thấy chừng như chú Xuân đang định tạm biệt:
- Thưa chú, cho cháu mạn phép hỏi chú một điều nữa. Cháu thấy bất
tiện quá, nhưng... Thế này chú à, cháu có đọc một truyện ngắn của chú, có những
chi tiết hẳn là kỉ niệm về thời gian cuối những năm trung học của chính chú.
Cháu đoán chắc nhân vật Xuân trong đó chính là chú. Phải vậy không, chú An? –
Tre cười –.
Ông Xuân cũng cười, ngắt ngang:
- Chú có cước chú mà! Cứ gọi chú là chú Xuân. Xuân là chữ lót của họ tên, hay đúng ra là chữ thứ
hai của họ Trần Xuân. Gọi rứa cho tự nhiên như nhân vật trong tiểu thuyết.
Tre vẫn giữ nụ cười trên môi, khẽ dạ, nói tiếp:
- Cháu băn khoăn mãi một nét, vâng, chỉ một nét
thôi, của nhân vật Trương trong “Bướm
trắng” của Nhất Linh. Đó là việc Trương xem mối tình với Thu như một giấc
mộng ảo, trong chuỗi ngày bi đát, mang bệnh lao nan y của Trương, và thế rồi, sau
khi biết mình khỏi bệnh, Trương về quê, lấy cô thôn nữ là Nhan làm vợ, như một
cách chôn vùi cuộc đời mình... – Giọng của Tre cơ hồ run run –.
Ông Trảng giật mình, phác tay, muốn can ngăn Tre
đừng nói nữa, và đưa ánh mắt nhìn ông Xuân, như ngỏ ý xin lỗi giúp con. Ông Xuân
hiểu, ông hơi cúi đầu, nhưng rồi lại mỉm cười, nói với Tre:
- Đó là cách ứng xử thường là như vậy, trong tình
huống như thế. Nhiều người như thế. Nhân vật Trương cũng thế... Nhưng nhiều
người vẫn không sa đoạ, không biển thủ như Trương, nghĩa là không liều mạng làm
hỏng đời mình trong tâm trạng bi phẫn, bi phẫn do số phận hay do thời cuộc. –
Ông Xuân lại cúi đầu, rồi lại ngẩng lên, nhìn Tre –.
Tre nói, như theo một thôi thúc nào đó trong suy nghĩ
đã lâu rồi:
- Cháu nghĩ thế hệ cháu cũng đang bị bệnh nan y,
đó là bệnh mà cháu gọi là bệnh Bến Hải, bệnh Vĩ tuyến 17, bệnh thời chia cắt và
bệnh thời nối liền Đất nước! – Tre phân vân, muốn tìm từ thật đích xác –. Cháu
đã đọc sách của chú khá nhiều, cháu nghĩ, gọi chính xác hơn, đó là nỗi bệnh nạn nhân do văn - sử một chiều, chú à...
Ông
Xuân ngẩn ngơ, tự hiểu thuật ngữ mà ông cùng nhiều người trong giới cầm bút thường dùng dù sao vẫn
có sức mạnh phê phán lớn hơn, nhưng ông vẫn nói:
- Thế là cháu đã góp phần chẩn đoán được tâm hồn,
tư tưởng của dăm ba thế hệ ở nước mình... Tuy vậy, cháu đã yêu thích hai bài ca
dao về sức sống Kẻ Diên, nên chú tin cháu sẽ không để tuổi trẻ và cả cuộc đời
mình lụi tàn, mà phải luôn vươn lên, một cách chính đáng, bằng chính tài sức,
đức độ của mình.
Ông Xuân lại nói tiếp, khi những người có mặt
trong cuộc thăm viếng, chuyện trò này đều im lặng:
- Anh Trảng, đầu đạn lưu cữu trong bắp chân anh là
đây. – Ông Xuân chỉ ngón tay trỏ vào đầu đạn đang được đặt giữa tấm gạc trắng,
trên bàn sa lông. – Nhưng thật ra, miểng đạn lưu cữu trong người tôi, và cả
trong người anh, trong người cháu Tre, cháu Trưng... chỉ là bốn chữ: văn - sử một chiều! Rứa đó, anh à. Cảm ơn
cháu Tre đã đồng cảm... – Giọng ông Xuân hơi nghèn nghẹn –.
Và như thể muốn thoát khỏi không khí đầy nỗi niềm
tâm sự này, ông Xuân đứng dậy, muốn tỏ ý chia tay:
- Chúc anh Trảng mau hồi phục. Chúc hai cháu vui,
khoẻ, thành đạt, đều cố gắng trở thành đại
gia! – Ông Xuân dùng một từ thời thượng hiện nay với một nụ cười quý mến,
chân thành dành cho hai chàng trai trẻ song sinh –.
Ông Trảng chống nạng một bên, tiễn bạn ra tận cửa
nhà. Tre và Trưng tiễn ông Xuân ra tận ngõ. Ông Xuân nói bâng quơ như để lấp
đầy khoảng trống lúc từ giã:
- Con đường này chú cũng thường hay đi. Hầu như
chủ nhật nào chú cũng lên Gò Dưa thăm mộ, phải đi trên đường này.
Ông Xuân khởi động xe máy:
- Mai mốt chú cháu mình lại gặp nhau nghe!
Ông Xuân đi rồi, Tre vẫn còn đứng ngó theo. Anh
nghe như trong tâm trí mình có tiếng dội âm: Đầu đạn Hiền Lương, miểng đạn Bến Hải... Mặc dù không được cụ thể
nhắc đến trong cuộc chuyện trò này, nhưng ba chữ “Cầu Ý Hệ”, cùng với hai cụm từ “văn
- sử một chiều”, “kênh nhọ đen”, lại
dội âm vang vọng nhất. Đó là vết thương lịch sử của Đất nước, của hai Khối trên
thế giới một thời Chiến tranh Lạnh... Sự thật lịch sử như thế là đã quá rõ rồi.
Quốc gia, Cộng sản đều có niềm tự hào và đều có nỗi bi kịch.
Tre khép cổng, cài then, mở vuông cửa nhỏ
ngang tầm mắt ở cánh cổng để khách ngoài cổng có thể nhìn vào, gọi mở cửa. Anh lững
thững bước vào nhà.
Hai con chim bồ câu mới sà xuống sân, mổ
nhặt thêm những hạt thóc hồi sáng sớm chúng còn để sót, chợt động cánh theo
phản xạ khi nghe tiếng chân của Tre, nhưng rồi vẫn cứ mổ nhặt tiếp. Tre đi tránh
qua một bên, bước lên thềm nhà, ngước nhìn chuồng bồ câu mà tuần trước, khi ba
của Tre cùng bạn cũ của ông sơn lại, cả hai người đã bị té ngã do một gã say
rượu lao xộc xe máy vào cột chuồng. Bị sơn dở dang, nhưng rồi chuồng cũng đã hoàn
tất. Mùi sơn thơm nồng đã nhạt. Đàn bồ câu đã quen với “ngôi nhà lầu” bé xíu mới
sơn quét của chúng. Có dăm con đang đứng rỉa cánh, ngó mông lung cây lá, trời
mây và nắng, trên ban công chuồng. Tre chợt liên tưởng đến hai bài ca dao “Mười cái trứng” và “Một vác tre” Kẻ Diên. Anh bỗng thấy mình sáng ra từ sự khơi gợi cảm
nghĩ của ông Xuân trong cuộc chuyện trò vừa rồi.
Tựa vào cột xi măng trên thềm nhà, Tre
cũng dè dặt nghĩ rằng, phải chăng bảy cái trứng ung là ẩn dụ về hậu phương vắng
bóng đàn ông, con trai, do bảy trận đại chiến (1627-1672) thời Trịnh – Nguyễn
phân tranh? Phải chăng ba cái trứng còn lại may mắn có trống, thành sự sống, nở
thành ba con gà con, nhưng rồi cũng bị quân cường bạo, bị chiến tranh ngầm hay các
trận chiến nhỏ lẻ, chớp nhoáng, như loài diều, quạ, mắt cắt, na đi, bắt mất,
lôi khỏi cuộc sống? Và phải chăng hai câu lục bát kết, không nói về hình tượng
ẩn dụ là gà mái, trứng, gà con nữa,
mà nói khái quát về vạn vật chúng sinh với hình tượng khác đi, “còn da, lông mọc, còn chồi, nẩy cây”? Phải
chăng hai tiếng “ai ơi” chính là nhãn
tự, làm sáng tỏ rằng, chính người phụ nữ, chứ không gì khác, bên trong ẩn dụ thân phận con gà mái ở bài ca dao ấy? “Ai ơi”, hai tiếng ấy có thể để khẽ gọi
bao người cùng cảnh ngộ chung quanh, có thể để tự gọi chính mình, nhưng chủ yếu
vẫn là để khẽ gọi người nữ bất hạnh trong ẩn dụ là hình tượng con gà mái khốn
khổ?
Tre xúc động đến ứa nước mắt với cảm thụ
và suy tưởng của mình.
Lát sau, Tre mới bước vào phòng khách, nơi
tạm trú của ba cha con anh.
Tre thấy ba anh vẫn ngồi ở chỗ cũ, cũng với chiếc
nạng gỗ đặt một bên, và anh Trưng đang ngồi đối diện với ba.
Ông Trảng áp điện thoại di động vào tai, đôi môi mở
ra nụ cười, có vẻ thú vị:
- Bạn đã đi đến đường Bạch Đằng rồi à? Tôi phải
gọi điện thoại vói theo bạn để đọc hai câu thơ tôi mới chế biến lại từ bốn câu
thơ tâm đắc của bạn. Xin lỗi trước, tôi chẳng rành thơ phú chi mô, cả đời chỉ võ
vẽ vài ba câu, nhưng sáng nay hai câu thơ chế biến này nghe được lắm:
dựa
giặc, giặc kề ta, chẳng sợ
sợ ai dựa giặc, giặc trong
tim (3)
– Ông Trảng cười thành tiếng một
cách khoái trá nhưng đượm chua xót –.
Tre đứng sững. Trưng cũng ngồi sững. Tre không nghe ông Xuân ở đầu
kia đường sóng điện nói gì, hình như ông ấy cũng cười thành tiếng, mặc dù đang
dừng xe bên lề đường phố.
T.X.A.
14:11, 23-12 – 08:40, 24-12 HB15 (2015)
_________________