MẨU GIẤY CÁNH BƯỚM
truyện ngắn
Trần Xuân An
1
Sau khi hai người bạn gái cùng
tên Nhị, cùng lớp và cùng tổ học tập ra về, sáu cậu học sinh lớp 10C không hẹn
nhưng đều trông theo. Mỗi người có một cách trông theo, và đều cố tình che giấu
ánh mắt trông theo đó, bằng nụ cười, bằng cái phác tay, bằng sự gấp lại cuốn
sách trước mặt, bằng tiếng ực của ngụm nước trong cuống họng...
Một mảnh giấy khoảng nửa trang vở
không biết của Nhị-tóc-đen hay của Nhị-tóc-nâu, vì cả hai người bạn gái ngồi kề
nhau, mảnh giấy gấp tư lại nằm trên bàn, trước mặt, ở giữa, một vị trí cách đều
cả hai cô nàng. Chỉ nét chữ, sau khi mảnh giấy được Xuân (*) nhanh nhẩu mở ra,
mới cho sáu cậu học trò biết ai đã vô tình hay cố ý để lại. Họ lại càng ngẩn
ngơ khi biết chính Nhị-tóc-nâu, chứ không ai khác, đã viết vài dòng chữ không
ghi tên người mà cô nàng muốn gửi đến: “Gương
mặt ấy trông giống tranh kí hoạ chân dung Nhất Linh lắm đó. Nhất Linh, ơi cái
ông tác giả ‘Bướm trắng’, nhà văn mà mình quý trọng và yêu mến vô vàn”.
Một trận bàn tán không thể không
nổ ra tức thì.
- Trời đất! Ai vậy ta? – Đăng
không thể kìm chế được, hỏi ngay, như thể tự hỏi.
Sáu cậu trông nhau. Trong óc mỗi
anh chàng đều so sánh sáu gương mặt chàng trai cùng tổ, trong đó có mình, xem
thử ai giống với tranh kí hoạ về Nhất Linh nhất.
- Tranh vẽ Nhất Linh, mà ông hoạ
sĩ nào đó chỉ huơ tay, phóng vài nét bút thế này, chỉ lấy cái thần thái thôi,
thì ai trong sáu đứa bọn mình cũng có thể suy đoán lung tung cả! – Tấn nói.
- Mình không nghĩ như vậy. Mình
thấy hai câu này chỉ nhằm gửi cho Nhị-tóc-đen thôi. Viết trên các mẩu giấy
chuyền qua chuyền lại là cách mấy ả thường “trò chuyện trong giờ học” đó mà!
Đây là giờ học tổ, hai ả cũng bày trò theo cách đó. – Văn nói, ra vẻ rành về
các “thói” của nữ sinh.
Một trận cười bùng lên từ sáu cái
miệng mở rộng.
- Nhất Linh có để râu mép mà! –
Công nói, làm trận cười chung chợt to lên rồi phụt tắt.
Trong sáu cậu học sinh lớp mười, cũng
đã có vài ba cậu đã có ria mép tơ, xanh xanh mờ mờ.
Công tự phản biện ngay, chừng như
tự biện hộ cho những sợi râu mép tơ chưa chịu mọc của chính mình:
- Râu? Không quan trọng cái đặc
điểm ấy đâu!
Phương cười khẽ, tiếp lời trong
trạng thái như thể nghĩ ngợi:
- Con gái giống cha, chẳng lẽ con
gái cũng phải có râu mép, râu cằm! Chán gì trường hợp cô gái này hao hao giống
ông trung niên nọ, bà già này giống cậu thanh niên kia! Kể gì râu với chẳng
râu!
Dẫu họ muốn nán lại thêm chốc nữa
để bàn cho ra chuyện thì nắng ngoài sân nhà Tấn cũng đã gần tắt rồi, và mẹ Tấn
chừng như cũng sắp dọn bữa cơm tối cho gia đình. Họ phải trả chiếc bàn tròn họ
đang quây quanh lại cho mẹ Tấn.
Trên đường về nhà, Xuân ngẫm nghĩ
về hai câu viết gây bàn tán kia của Nhị-tóc-nâu. “Ấy”, rõ là “đằng ấy”, chứ gì
nữa! Hay “ấy” không phải đại từ nhân xưng đầy thân mến, mà chỉ như “that” trong
tiếng Anh thôi? That face looks like...
Có phải cô nàng muốn gửi một mẩu tin nhắn đến ai đó trong sáu đứa con trai bạn
học cùng tổ? Cũng có thể, trời đất ơi, sao lại không, cô nàng viết mẩu giấy ấy
để gửi cho chàng trai ở lớp trên hay một gã nào đó ở bên ngoài trường học! Một
lần nữa, như khi còn ngồi với nhóm bạn, Xuân cảm thấy một thoáng cảm giác bủn
rủn cả người như thể cơn gió nào đó bất chợt thổi trúng vào chính Xuân, và một
lần nữa, Xuân ghìm mình lại, không nghĩ tiếp, cố mạnh bước chân hơn.
Chiều chưa tắt hẳn, nhưng hai dãy
nhà hai bên đường phố Duy Tân, Phan Chu Trinh và Trần Cao Vân đã sáng ánh đèn
điện.
2
Hơn một tuần trôi qua, kể cả chủ
nhật phải họp tổ, không ngày nào hai cô bạn gái cùng tên Nhị và sáu chàng học trò
cùng lớp 10C không gặp nhau, nhưng chuyện mẩu giấy có hai câu viết được (hay bị)
bỏ quên trên bàn đó không ai đem ra bàn tán nữa. Vì ngại ngần, cũng không cậu
nào dám hỏi hai cô nàng kia cho rõ lẽ. Lẽ khác, không biết có phải do ảnh hưởng
từ tiểu thuyết “Bướm trắng” của Nhất
Linh không, tác phẩm mà cả tổ học tập của họ đang phải hội ý, trao đổi, phân
công với nhau để viết thành bài thuyết trình theo yêu cầu của cô giáo quốc văn,
nên chừng như cậu nào cũng muốn để cho mẩu giấy lửng lơ, mơ hồ, như có như
không, như thực như mộng, như cánh bướm của Trang Tử, như nhân vật cô gái tên
Thu thắp lên khát vọng tình yêu đồng thời nung đốt nỗi đau không đành yêu, không nỡ yêu của
chàng Trương bị bệnh lao nan y, sắp chạm mặt với cái chết bởi bệnh ấy, trong “Bướm trắng”. Tất nhiên, đó là ảnh hưởng
xa, ảnh hưởng từ cái chất của “Bướm
trắng”, chứ hiện thực của tổ học tập này trong veo, hồng hào sức sống thế
kia!
Nhưng dẫu sao cũng hình như cánh
bướm trắng – là mẩu giấy đó – đã tạo nên một chút men rượu nếp ngọt hay cơm
rượu nếp mà trẻ con lên mười cũng được phép dùng trong ngày Tết Đoan ngọ, ở tâm
trí sáu chàng trai đã 16 tuổi. Hình như, vâng, hình như đã dậy men thi đua đào
sâu vào tác phẩm “Bướm trắng” để trổ
tài.
Xuân, Đăng và Tấn đã có chút xanh
xanh râu tơ trên mép. Đó là ba chàng trai thỉnh thoảng bất giác hay có ý thức
sờ tay lên mép của mình với cảm xúc và ý nghĩ riêng của mỗi người. Chắc chắn cả
ba đều cảm thấy mình buồn cười, nhưng vẫn yên tâm là chỉ mình biết lấy mình mà
thôi.
Riêng Xuân, anh chàng này từ buổi
chiều hôm ấy đã thấy trong mình và có lẽ ở cả bạn bè nam sinh cùng tổ, có một
mối mâu thuẫn nẩy sinh trong tâm trí. Xuân tự bảo, chẳng lẽ Nhị-tóc-nâu muốn
bày tỏ cảm nghĩ của cô nàng rằng, gương
mặt đằng ấy nào đó (biết đâu là gương mặt mình?) sở dĩ được Nhị-tóc-nâu
“chú ý” là bởi phảng phất chút hào quang thần sắc, đường nét của nhà văn danh
tiếng Nhất Linh? Cô nàng thích mình vì mình trông giống Nhất Linh, tức là thích
cái-trông-giống-như-là chứ chẳng phải thích chính con người mình với nét mặt
đích thực của mình! Đau, và xấu hổ quá! – Xuân suy diễn theo tâm trạng của
chính anh chàng. Không, lòng tự trọng và tự tin ở năng lực của mình, chứ không
phải của ai khác, không cho phép mình hi vọng, tự thích thú về điều đó. Vả lại,
học sinh học tập tác phẩm của Nhất Linh, chứ có phải học tập để trở thành bản
sao của nhà văn ấy đâu! Mặt khác, thời của Nhất Linh khác, thời của Xuân và bạn
bè anh khác.
Xuân tin Nhị-tóc-nâu cũng có
khuynh hướng như anh chàng với cái riêng của chính cô nàng.
Xuân trượt dài theo lập luận đầy
suy diễn chủ quan của mình: Mẩu giấy bỏ quên có hai câu viết kia chỉ là cái cớ
để Nhị bày tỏ với ai đó mà thôi. Với chính Xuân? Xuân sờ tay lên bộ râu mép
lông tơ mờ xanh của mình, thấy bừng lên trong mình men rượu nếp ngọt.
Xuân thấy trước mặt mình, trên
vuông cỏ xanh của sân trường, chấp chới, vờn bay, uốn lượn vừa mơ hồ, vừa rất
thật một con bướm trắng. Mỗi bên thân bướm là một đôi cánh mỏng. Không, không
phải. Chỉ là ảo giác thôi chăng, từ mẩu giấy trắng gấp tư, mới mở ra một nửa,
và gió nào đã thổi bay bay, lượn vòng…
3
Phòng học của lớp 10 ban văn
chương, sinh ngữ C đã khác với mọi ngày trong hai tiết đầu – đó là hai trong
sáu tiết quốc văn mỗi tuần. Một bộ bàn ghế dài học sinh, dành cho năm người của
tổ thuyết trình lần này, được đặt kề trước bục gỗ, bảng xanh, đối diện với bạn
bè trong lớp đang ngồi phía dưới.
Mặc dù là đề tài tự do, được chọn
ngoài chương trình, với sự gợi ý của giáo sư bộ môn, nhưng hai tiết luyện kĩ
năng này vẫn thuộc chính khoá.
Đăng đặt ngay trên bàn thuyết
trình một tấm ảnh chân dung Nhất Linh và cuốn tiểu thuyết “Bướm trắng”. Cả hai đều được để trên giá đọc sách, xoay mặt về
phía dưới lớp. Xuân cũng đã ghi đề tài thuyết trình trên bảng xanh bằng phấn
trắng, và Xuân lại vẽ thêm một con bướm với hai đôi cánh theo đường nét kĩ hà,
trông vừa giống mẩu giấy gấp tư, mới mở ra một nửa, thành hình chữ V, lại trông
như bướm trắng thật. Ý nghĩa của nó, đến cô giáo quốc văn của lớp cũng không
thấu hết ngụ ý, nhưng sáu anh chàng lại hiểu tận tường.
Xuân, Đăng, Tấn và Công chia nhau
mỗi người thuyết trình một đề mục bài viết về “Bướm trắng”. Nhị-tóc-nâu đọc những đoạn trích dẫn nguyên văn từ
tiểu thuyết ấy. Các bạn khác của tổ thuyết trình lần này vẫn ngồi dưới lớp, sẵn
sàng tinh thần để cùng năm bạn kia trả lời các chất vấn từ giáo sư bộ môn và cả
lớp.
Sau một tiết thuyết trình và đọc
trích đoạn, cả lớp vào tiết hai với phần thảo luận, tranh luận. Phần này, cả
lớp hầu hết bám chặt vào đề tài, nhưng vẫn có một vài ý kiến lại trượt sang
tiểu sử tác giả và cả những tác phẩm khác của ông. Gây bùng nổ nhất là ý kiến
của Biện, thuộc tổ khác, đang chuẩn bị cho cuộc thuyết trình lần tới:
- Thưa cô và các bạn! Tổ thuyết
trình cứ lặp đi lặp lại về hình ảnh “bướm
trắng”, nhưng tuyệt nhiên chẳng đả động gì đến một chi tiết rất đáng lưu ý.
Thật ra, bướm trắng chính là cái yếm, nội y của nhân vật Thu, treo trên sào
phơi, mà nhân vật Trương len lén sờ vào, hôn khẽ. Chiếc yếm, nội y phơi giữa
nắng, đứng xa trông tới, thấy như cánh bướm trắng đang bay bay. Chỉ thế thôi.
Nhân vật Trương rất bệnh hoạn về thể chất và cả tâm lí.
Cả lớp cười oà, cười sặc, cười
bậm môi. Có một ít nữ sinh cúi rạp mặt xuống bàn, có lẽ mặt đang đỏ gấc hay tái
mét. Cô giáo quốc văn vẫn bình tĩnh mỉm cười.
Xuân nhanh trí, đứng dậy:
- Thưa cô và các bạn! Đầu năm,
chúng ta có học văn chương truyền khẩu. Chắc các bạn còn nhớ câu quan họ: “Thương nhau cởi áo cho nhau / Về nhà mẹ
hỏi, qua cầu gió bay”. Và, hẳn ai cũng biết câu ca dao này: “Áo xông hương của chàng vắt mắc / Đêm em
nằm em đắp lấy hơi”. Ở trường hợp nhân vật Trương, có lẽ anh ta hơi quá
đáng trong hành vi đối với chiếc áo cánh ấy, nên anh ta thuộc vào loại hơi bất
bình thường một chút, nói cách khác là hơi bệnh hoạn một chút. Tổ thuyết trình
chúng tôi không dám khai thác chi tiết này. Nhưng dẫu có chấp nhận khai thác,
thì cũng chỉ là “bướm trắng” thơ mộng
và hư ảo mà thôi. Nói chung, chi tiết ấy và tất cả các chi tiết khác thuộc về
nhân vật Thu đã góp phần làm thành biểu tượng của phần thơ mộng, ảo mộng trong
cơn cuồng dại sa đoạ do lao phổi của nhân vật Trương…
Cô giáo quốc văn mỉm cười nói:
- Lên lớp 12 các anh chị sẽ có
dịp học về tâm lí học. Theo phân tâm học, nhân vật Trương như thế là ít nhiều
cũng mắc bệnh “kỉ vật dâm”. Nhưng thôi, bỏ qua đi. Xuân trả lời như thế là đã
tạm đủ rồi. Giờ chuyển qua khía cạnh khác của đề tài.
Sau một hồi thảo luận, tranh luận,
một ý kiến gây bùng nổ khác lại được đưa ra. Lần này, lại chính do một nữ sinh
vốn khá quan tâm đến chính trị:
- Thưa cô và các bạn! Đồng ý rằng
đề tài chỉ khuôn lại trong phạm vi tiểu thuyết “Bướm trắng”, nhưng thế nào cũng phải có đôi nét về tiểu sử tác giả
chứ! – Hoàng nhìn thẳng vào nhóm bạn phụ trách thuyết trình. – Theo tôi, cái
chết tự tử của nhà văn Nhất Linh với di ngôn: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả”. Đại để như
thế. Cái chết tự tử của Nhất Linh vào ngày 7 tháng 7 năm 1963, về tiếng vang và
tác động, không thua kém gì cái chết tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức.
Hai cái chết dũng cảm đó là hai quả bom dội vào nền đệ nhất cộng hoà (Sài Gòn).
Vậy sao tổ thuyết trình không khai thác? – Hoàng nêu vấn đề.
Một lần nữa, cả lớp sôi lên.
Xuân định đứng lên trả lời, nhưng
Đăng đã đưa một cánh tay lên và đứng dậy luôn:
- Tôi không thiếu tài liệu về
tiểu sử Nhất Linh…
Dưới lớp, có một bạn bỗng chen
ngang:
- Biết rồi, em trai ông chủ nhà
sách lớn nhất Tam Kỳ thì tài liệu vô số...
Đăng bình tĩnh nói tiếp, át đi:
- Đúng vậy, tôi có nhiều tài liệu
về tiểu sử Nhất Linh, nhưng đề tài là chỉ đi sâu vào tiểu thuyết “Bướm trắng”. Cô giáo của chúng ta cũng
đã góp ý với tổ chúng tôi là nên gạt bớt những chi tiết tiểu sử nào không liên
quan đến tiểu thuyết này. Đây không phải là tiểu thuyết luận đề chính trị, xã
hội của Nhất Linh, mà chỉ là tiểu thuyết tâm lí, có chút gì đó hơi ngã lòng,
yếm thế… Dẫu đây là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Nhất Linh, nhưng nó không
liên quan trực tiếp đến cái chết tự sát của Nhất Linh, vốn là một hành động
chính trị, như việc tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức.
Khác Đăng, Xuân thấy có liên quan
giữa “Bướm trắng” với cái chết tự tử
của Nhất Linh, nhưng mối liên quan cũng xa xa. Nhân vật Trương có ý định tự tử,
vì bệnh nan y, bấy giờ hiếm thuốc chữa, và bệnh của Trương, theo bác sĩ là đã ở
mức độ hết thuốc chữa. Nhân vật Trương khi biết mình đã khỏi bệnh, nhưng vì đã
trót phá sản, cảm thấy cần an dưỡng nên cũng tự chôn đời ở làng thôn quê nhà,
không dám tiếp tục yêu Thu, lấy Thu làm vợ, mà chỉ lấy cô gái quê tên Nhan. Nhất
Linh thì khác. Cái giống nhau giữa nhân vật Trương và tác giả Nhất Linh là kết
thúc đáng buồn thôi. Ông ấy từng ở ẩn tại vùng đất có suối Đa Mê, gần thác
Prenn, trên cao nguyên Lâm Viên. Ông ấy không bị bệnh nan y, không bị phá sản,
nhưng bị bế tắc về chính trị. Nhưng rồi Nhất Linh lại phải làm chính trị, bằng
hành vi dũng cảm nhất, là góp phần tạo ra cuộc đảo chính, nhưng lại có hành vi đáng
tiếc nhất, ấy là tự tử, khi bị chính quyền tại Sài Gòn truy tố ra toà. Không,
Nhất Linh không phải là nhà sư vì đại nghĩa, “vị Phật pháp thiêu thân”, nhằm thắp
lên ngọn lửa thúc đẩy phong trào đấu tranh bất bạo động, thì đúng ra ông ấy – nhà
văn, nhà chính trị – phải sống và chiến đấu đến cùng.
Nghĩ thế, nhưng Xuân im lặng. Cô
giáo quốc văn hiện thời của lớp Xuân lại không có máu tranh đấu như vài thầy giáo
trong phong trào đấu tranh đô thị.
Khi trống đánh báo giờ ra chơi đã
đến, buổi thảo luận và tranh luận về tiểu thuyết “Bướm trắng” xem như đã kết thúc một cách lửng lơ.
Cô giáo quốc văn cầm cặp, bước ra
cửa. Cả lớp đứng dậy chào tiễn cô sau hai tiết học.
Xuân cũng không bước ra khỏi lớp.
Anh chàng tì tay vào cửa sổ phía hông trường, nhìn vượt lên mấy tán cây xanh
ven đường phố Trần Cao Vân. Xuân ngẫm nghĩ về mẩu giấy cánh bướm. Đúng rồi, nó
cũng thơ mộng và có thể chỉ là ảo mộng, nhưng trong sáng như bầu trời kia, hồng
hào sức sống của nắng mai kia.
4
Chiều chủ nhật cuối tuần đó, cả
tổ thuyết trình “Bướm trắng” lại họp
mặt để rút kinh nghiệm và liên hoan.
Xuân đến sớm hơn giờ hẹn cả một
tiếng đồng hồ. Khi anh chàng đang đứng cùng Tấn dưới gốc cây thị rợp mát và
ngát hương trái chín trước sân nhà của Tấn, Nhị-tóc-nâu cũng đến. Cô nàng có vẻ
vui hơn những lần họp tổ khác.
Cùng ngồi trên chiếc chõng tre
vàng óng đặt trên thềm xi măng, sau những câu bông đùa để làm không khí tươi
lên như mọi khi, họ bất chợt rơi vào im lặng. Trong Xuân bỗng lại dấy lên nỗi
thắc mắc về mẩu giấy cánh bướm. Tuy vậy, anh chàng vẫn không nói gì.
Bà mẹ già của Tấn từ nhà dưới đi
ra thềm, bước lên thềm nhà trên, chỗ đặt chõng tre, với chiếc bị đan bằng lác
trên tay. Bà cười:
- “Nhị ơi rơi xuống bị bà…”. – Một câu trong truyện cổ tích “Tấm Cám”, bà cố ý phát âm nhịu chữ
“thị” thành chữ “Nhị”, nói với giọng đọc thơ ngân nga, và bà nhìn chăm vào Nhị
rồi đẩy ánh mắt mình về phía Tấn, lại quay sang nhìn chằm chằm vào Xuân. Bà
cười cả bằng đôi môi đỏ quết trầu lẫn bằng ánh mắt với khoé chân chim.
Bà đặt vào tay của ba cô cậu học
trò mỗi đứa một quả thị thơm ngát. Họ cám ơn bà.
Cả ba học trò 16, 17 tuổi ngẩn
ngơ, cười khẽ, chưa hiểu hết ý của bà mẹ Tấn. Họ nghĩ, bà đùa thôi. Ôi, cái
thời xưa, “lấy chồng từ thuở mười ba…”,
đã xa lắc xa lơ! Nay, yêu đương bâng quơ lại còn sợ và mắc cỡ, nữa là. Lúc này,
Tấn và Nhị là hai người cảm thấy thẹn nhất.
Tấn buột miệng một câu thơ của
Nguyên Sa:
- “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?...”.
- Hai lăm. – Nhị-tóc-nâu nói, rồi
phá ra cười.
Xuân cảm giác rất rõ sự thắt lòng
trong một giây thoáng qua. Bà mẹ của Tấn cũng đã lui lại nhà ngang phía bên
cạnh, liền kề.
Tấn mạnh dạn hơn thấy rõ. Tấn hỏi
nhanh:
- Mẩu giấy hôm nọ Nhị nào bỏ quên
trên bàn vậy? Gửi cho ai?
Nhị-tóc-nâu ngạc nhiên:
- Mẩu giấy nào?
- Mẩu giấy cánh bướm… À, chắc Nhị
không hiểu cụm từ bọn con trai mình đặt ra đâu. Mẩu giấy có nội dung là “Gương mặt ấy trông giống tranh kí hoạ chân
dung Nhất Linh lắm đó. Nhất Linh, ơi cái ông tác giả ‘Bướm trắng’, nhà văn mà
mình quý trọng và yêu mến vô vàn”. Chữ viết rõ ràng là của Nhị này rồi.
Tấn vào phòng học, lấy mẩu giấy
ấy ra. Không ngờ anh chàng Tấn này lại cắt vanh các cạnh trùng mép gấp, thành
dạng cánh bướm thật! Và Tấn mở ra:
- Có phải chữ của Nhị đây không?
Hết cãi nghe!
- Đúng rồi. Mà sao? – Nhị-tóc-nâu
cười, ngạc nhiên thật sự. – Có chuyện gì vậy?
- Nhị viết với ý nghĩ thật là gì
thế? Và gửi cho ai? Nói thật đi mà.
Nhị bật cười khúc khích:
- Có gửi cho ai đâu. Đó là khi họp
tổ, thấy ảnh chân dung Nhất Linh và tranh kí hoạ rất phóng bút về chính Nhất
Linh, mình chợt nghĩ, và viết, đúng ra là “gương
mặt trong tấm ảnh chụp Nhất Linh ấy trông giống tranh kí hoạ chân dung Nhất
Linh lắm đó…”. Nhưng mình viết vội trong lúc họp, thành ra như thế này đây.
– Nhị chỉ vào mảnh giấy nay đã được cắt thành hình bướm, nếu vẫn gấp tư, chỉ mở
thành hình chữ V.
Tấn và Xuân bỗng câm lặng, cố
giấu chút thất vọng trong tim mỗi người.
- Hoá ra, bọn con trai tụi mình chỉ
khéo suy diễn chủ quan thôi!
Nhị-tóc-nâu chợt hiểu ra:
- Bộ mấy ông tưởng tui viết để gửi
cho một ông nào trong tổ hả? – Nhị lại cười hồn nhiên. – Còn khuya à nghe!
Tấn lắp bắp, ngẩn ngơ nét mặt:
- “Hai lăm” tuổi mà!
- “Hai lăm” hồi nào? – Nhị chối.
- Trời ơi, mới nói đó, mấy phút
sau đã chối rồi! – Tấn bỗng mạnh dạn hơn.
Bây giờ, Xuân mới hiểu rõ thêm
mấy cô học trò con gái. Rõ ràng Nhị-tóc-nâu mới nói “hai lăm”, giờ lại chối. Thế
thì ai bảo đảm rằng câu mà cô nàng mới chỉnh sửa lại, “gương mặt trong tấm ảnh chụp Nhất Linh ấy trông giống tranh kí hoạ
chân dung Nhất Linh lắm đó…”, không phải là một câu khéo chối cãi!
Ngay lúc đó, cả Tấn và Xuân đều
trách mình ngu. Lẽ ra chuyện này, mỗi đứa con trai trong tổ phải khôn ngoan hỏi
riêng Nhị-tóc-nâu thôi, khi chung quanh không có ai. Đằng này, lúc này, có cả
Tấn lẫn Xuân, làm sao Nhị dám trả lời thật lòng!
Xuân nghĩ vậy, liền bước vào nhà
trên, vô tận phòng khách vờ tìm cuốn sách nào đó Xuân đang cần. Anh chàng muốn
tạo điều kiện để Tấn hỏi lại và Nhị-tóc-nâu sẽ thật lòng trả lời.
Xuân nhìn qua cửa sổ mở ra khu
vườn phía sau nhà Tấn, bất chợt thấy bướm trắng vờn bay trên luống cải đã trổ
ngồng hoa vàng. Xuân bước đến cửa sổ, tì tay vào những song sắt, đứng sững nhìn
bướm trắng. Anh chàng đứng sững sờ không biết bao lâu, cho đến khi các bạn
trong tổ đã đến đầy đủ.
Trong buổi họp mặt chiều ấy,
gương mặt Tấn buồn rầu quá đỗi.
Không nhìn ra vườn sau nữa, nhưng
Xuân biết chắc là con bướm trắng kia đã bay mất rồi, cho dù Nhị-tóc-nâu vẫn còn
ngồi với cả tổ đây. Nói theo Nhất Linh, như một giấc ảo mộng…
Trở lại với cuộc họp rút kinh
nghiệm, Xuân thấy đã đến lúc nói:
- Chúng ta học tập tác phẩm của
Nhất Linh, dĩ nhiên chúng ta không phải là Nhất Linh, và cố gắng không là bản
sao của ông ấy. Học Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm
(?), Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… hay Thạch Lam, Lưu Trọng Lư… cũng vậy. Chúng
mình thường vẫn nói với nhau, “Hãy là
chính mình”, với nỗ lực tự thân cao nhất, nhất là trong lĩnh vực văn
chương, vốn không chấp nhận người này là bản sao của người kia…
Xuân nói có vẻ hơi lên gân một
cách không cố ý như vậy, nhưng chừng như cũng bất giác, là chỉ để che lấp nỗi
buồn thất vọng trong lòng mình.
Mẩu giấy bướm trắng đã bay mất
thật rồi…
T.X.A.
(trải qua các lớp 9/3, 10C,
11C – 1970-1973,
Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, Quảng Nam)
10:20, 25-6 – 15:18, 26-6 HB15
(2015)
(*) Tên của các
nhân vật nam sinh được lấy từ chữ lót trong danh tính của các nguyên mẫu. Xin
lưu ý đây chỉ là truyện ngắn, không phải là kí.