xem
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ
thị xã xanh, nồng nàn dòng sông sắc lửa
núi tắt từ lâu,
vẫn nguyên màu tha thiết đến giờ
về thăm nhau, mời nhau li cam vắt
đất đắng
ngọt phù sa –
nơi đây
ai xưa
đỏ nước mắt đợi chờ?
sông chảy đời sông, còn bởi đôi bờ
êm ả, quanh co, thẳng xuôi, ghềnh thác
từ trái tim mười tám năm xưa, ngỡ tắt
vẫn lòng bút đỏ quằn vênh không khô
cuộc sống tình cờ
và cơ hồ đâu tình cờ
bạn vẫn dải lụa đào phất phơ
vẫn sợi tơ hồng buộc diều đứt phựt
diều rụng nơi đâu, giăng mắc tơ
qua ruộng rừng, thị xã
qua đôi bài thơ
bạn vời trông ai rừng thẳm biển mờ
lẽ nào vẫn dòng sông bâng quơ
trinh trong nhuốm ráng chiều mộng mị
ôm nỗi hư vô?
bạn vẫn người dưng
xa lắc xa lơ!
đưa nhau quay về năm tháng ngây ngô
thị xã như mẩu giấy học trò thuở đó…
ơi những con đường kẻ ô
ta qua bên kia lề, nhìn lại bên này lề mực đỏ
tìm gặp nhau,
chỉ thôi đành ngậm ngùi thương nhớ
dù bên nhau, cũng thương nhớ ngu ngơ
ơi dòng sông –
sợi vải nghệ hồng vắt qua thiệp mở
bỗng thắt vào tim! bén ngót không ngờ!
lành lặn chăng vết thương tươi rói,
thoáng hình dung. Sững sờ
thôi nhé, lần cuối cùng tan vỡ
bạn vẫn người dưng xa lắc xa lơ
dòng sông nơi đây ngọt hoài màu cam vắt
phù sa khỏa lên niềm-đau-không-ngờ.
THĂM MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH XANH
dịu dàng mướt ngời nắng lạnh
tóc hương, mùa xanh đầy vai…
bàng hoàng, một tôi đã khác
và em, cũng đừng thở dài!
đành thôi, ta như bạn cũ
đưa nhau tìm dấu chân tiên
đỉnh xanh giữa xanh xanh ngát
ai tạc nên Niềm Hồn Nhiên
ơi đôi bàn chân trẻ nhỏ
bên hai lỗ đáo rất tròn
in vào nghìn năm đá tảng –
hình tượng thơ trên chon von
(sân mưa thuở nào hửng ấm
mẹ đi chợ vắng, đường xa
bé chơi một mình, khắc đậm
vào tâm đạo sĩ ngang qua?)
thơ đời ngút cao xanh ngát
bao năm đắp núi xây non…
chạm trổ trong nhau ngày nọ
đóa tình ơi, mưa xói mòn?
nửa đời, hương hoài trinh trắng
tóc hương, mùa xanh đầy vai
ta nuôi con-tim-chung nhé
ngây thơ, ngỡ một là hai
ơn em lời ngoan sắc sảo
đưa nhau xuống với cõi người
lên tiên, đành thôi, thoáng chốc
lâu về thêm lạc loài, thôi
đành chia tay nhau, kỉ niệm!
ta li dị tình-yêu-ta
nuôi con-tim-chung bạn nhé
trong tôi, đứa bé khóc òa.
ĐIỆU MÚA HÁT THƠ
NGHÌN MẮT NGHÌN TAY MỚI
đuôi công xòe tà
nghìn tay nghìn mắt?
trẻ con múa hát
vũ khúc Phật Bà?
ngang đây, nhẩn nha
ngẩn ngơ, ngơ ngác
ai xưa điêu khắc
đốn-ngộ-thi-ca?
hồn dột ẩm nát
sách thơ nghìn nhà
lướt hong sân đất
sen bừng nghìn hoa
vũ khúc bát ngát
rách, thoắt lụa là
tượng cổ thoắt tạc
thoắt, thú rừng xa!
hài nhi tỏa nhạc?
công lượn nắng sa?
nghìn tay nghìn mắt
bùn lấm chói lòa.
CÔ HÀNG SÁCH
CHIỀU MƯA ĐÀ NẴNG
cảm ơn một người bạn (*)
như nắng chưa xa ngoan mắt trong
yêu em mùa hạ si mùa đông
mưa tới tan theo ngàn giọt nước
nước vỗ lên bờ trăm nhánh bông
đây bông huệ trắng ngát đôi tay –
thơ vỗ tràn quầy em chiều nay
mưa ngàn phiến nắng vàng hoe nắng
đọng trong mắt nâu trời thơ nây
ơi cô hàng sách mưa là tôi
mưa là tôi lấp lánh nhạc đời
em vui, thiên hạ đầm sầu nhớ
ghé mua thơ ngẩn ngó em cười
cười đi cô nhỏ, ngời lá xanh
cười ngàn nét chữ bay long lanh
mưa mưa trái đất vàng hoe cúc
đan áo len vàng sợi nắng hanh
ơi cô hàng sách và mưa đông
mấy mùa thơ, hương giấy rướm hồng
nhờ em bày bán cho thành phố
bản quyền Trái Tim, có giữ giùm không?
Cước chú của bài Cô hàng sách chiều mưa Đà Nẵng:
(* ) Người bạn này đã thuộc và nhớ lại, chép lại giùm bài thơ này, sau hai mươi mấy năm.
Nhân đây, xin ghi rõ năm sáng tác dưới các bài thơ vốn được viết trước 1995. Ngoài ra, những bài viết trong khoảng 1994 – 1995 – 1996, xin được miễn ghi.
(Chú thích ngày 23 & 25. 03. 2005).
VỐN DĨ, NGÀN ĐỜI
tặng nghệ sĩ Vũ Nàng Trương (*)
nỗi đời với mắt xưa sau
thấy bao luồng ngược chạm nhau, xoáy cuồng
nón cời úp gió đầu truông
lốc tan, kết đọng mấy nguồn máu oan
rởn tim tích cũ kinh hoàng
lật mê nón, nắng mưa tràn ngàn năm
ai về thương nén nhang trầm
bóng người trên vách đăm đăm lặng nhìn
hòn máu tươi bẫm niềm tin!
tâm không, vô chấp hồn in xanh trời
mở lòng ra, rộng nẻo đời
cười cùng lẽ thật cõi người đảo điên.
Cước chú của bài Vốn dĩ, ngàn đời:
(*) Đây chỉ là cái tên mượn từ điển tích về Vũ Thị Thiệt, vợ một người lính thú đời Hậu Lê (bài Đề miếu Nàng Trương của Lê Thánh Tôn).
(Chú thích ngày 23. 03. 2005).
GẶP HUẾ Ở VÙNG ĐẤT THÁNG GIÊNG
kính tặng làng Kẻ Vạn, thành phố Huế
trời vùng cao xanh mặt nước sông Hương
bé ngủ ngon lành dưới lời ru rất Huế
câu hát mới trên môi người mẹ
cho anh gặp quê nhà giữa bát ngát Tây Nguyên
qua những ngọn đồi tháng giêng
bồi hồi ngắm hai dãy nhà
bên con đường đỏ nắng
(tháng năm nào như kiếp lục bình,
nổi trôi bên bờ sông rác rến!)
nghe mơ hồ giọng hát mênh mông
đôi mắt đen tròn, sáng ấm nhìn anh
vẫn màu mắt bình thường của Huế
(gặp người Huế nơi đây
có lạ chi mà mừng rỡ!)
nhưng anh công tác xa nhà, nên thấy quá thân thương
xanh ngời lời hát ru, xanh ngời mái tóc sông Hương
hoa dầu Tây Nguyên quay nghiêng vành nón Huế
giấc ngủ em thơ mơ sân trường mướt cỏ
đủ xanh ngời buổi sáng riêng anh
anh sẽ còn yêu mãi Tây Nguyên
bởi rừng hoang đã ngời xanh chất Huế!
bé thơ ơi, rẫy lúa vàng
bướm chở hương về nôi nhỏ
anh muốn giữ mãi nụ cười
trong đôi mắt giữa mùa ngô.
1979 – 1980
HÃY YÊN TÂM VỀ QUÊ
tặng nhóm thanh niên Ánh Sáng
cầm tay nhau trong buổi chia tay
cùng hát bài ca về ngày mai thương nhớ
chút đầm ấm đêm nay mặc gió lùa ngoài cửa
hoa rừng thơm vào kỉ niệm núi rừng
mai xa buôn làng về miền xuôi quê hương
sao tiếng hát trập trùng lũng sương đồi gió
xa ngọn suối về cùng bờ ao cũ
sao giọng thơ vỗ tràn chân dốc níu cầu mây
ba mùa mưa nơi đây
mấy lần lạc giữa núi rừng, mỏi mắt tìm ngọn khói
mấy lần khuỵu chân xanh lét đói
cơn sốt mấy lần quật ngã giữa tay nhau
ba mùa mưa diệu kì sâu thẳm rừng sâu
lớp học buôn làng nhen bùng tiếng hát
bắt nhịp bài ca, bừng run đôi môi thâm kịt
nhìn bé gái Kơ Ho (*)
vươn tiếng ca bay tới tương lai
ba mùa mưa gió bạt tiếng giảng bài
đứng ở phòng bên
nghe giọng bạn mình khản đặc
gió rét sững sờ nét bút
(ơi những khăn quàng
thắp nắng xua sương)
mai bạn về với quê hương
sao cứ bâng khuâng tháng ngày gian khổ ấy
rừng sáng dần lên và bao người còn ở lại
hãy yên tâm giao lớp cho bọn mình
mai bạn về, cứ đẹp mãi niềm tin
ơi trái tim người đi gieo ánh sáng
và thơm mãi bó hoa học trò lóng lánh
giọt nước mắt ơn thầy
nét bút giữa lòng người thắm thiết không phai
bao gian khổ đi qua, núi rừng còn in đậm
yên tâm về với quê cũ xiêu gầy
tiếng hát Kơ Ho mãi mãi cao bay!
1978 – 1979
Cước chú của bài Hãy yên tâm về quê:
(*) Đồng bào K’Hor, một nhân tộc ít người ở Lâm Đồng.
NGÔI NHÀ BÊN THUNG LŨNG SƯƠNG
từ một nơi xa xôi tôi trở về thành phố
con dốc cao, đồi cỏ mượt, nắng vàng
hoa!
hoa rung vào lòng bao thanh âm rạng rỡ
nghe hương mùa thơm trong lá thông
tôi lại về với nơi tôi thường nhớ
gió bồi hồi chiều ơi yêu thương
ngôi nhà bên thung lũng sương
chiều tháng tám, nắng đọng lại đằng sau khung cửa
lồng ngực rộn ràng, ngón tay khẽ gõ
(anh chị ơi,
anh chị ơi,
em đã về nhà)
và nắng ấm ùa ra…
tôi đứng ngẩn ngơ
giữa những nụ cười quây quần rất trẻ
siết chặt tay tôi
là những bàn tay tin yêu
nồng nhiệt thế
tôi biết nói gì, ân nghĩa ấy, bao la
dẫu giọng đọc đã khàn đi
sau hai mùa kháng chiến
ánh mắt vẫn trong ngần soi nắng xuống trang thơ
ta hòa vào nhau, tự mạch nguồn sâu thẳm
(ghềnh thác gian lao để sâu lắng lòng hồ)
tôi biết nói gì, ân nghĩa ấy, bao la
căn phòng đầy ắp tiếng thơ
vang vọng đêm rừng già thác đổ
vang vọng tiếng rơi thầm của máu
tiếng reo xanh bên đường phố, sớm mai
cả tiếng thở dài trong bóng tối, lẻ loi…
âm hưởng tự cõi người
cho mỗi trái tim rực đỏ
cho lòng ta bồi hồi
tôi biết nói gì?
thơ hãy nói giùm tôi!
và Đà Lạt ơi!
thành phố rất thân yêu!
mà cả cuộc đời tôi
sao nhận hết vào lòng bao thanh âm rạng rỡ
sao hiểu hết con dốc cao, ngọn đồi xanh mướt cỏ
sao nghe hết hương mùa thơm lá thông…
nếu chẳng đến với nơi xa thành phố –
ơi những tấm lòng
từ nguồn mạch yêu thương
nắng hừng đông
ấm lên trong ngôi nhà đó
khung cửa mở ra mọi phía chân trời
tôi lại đến với nơi tôi vẫn ở
chào thung lũng sương long lanh sớm mai.
1980 – 1982
KHÚC VÀO MÙA
rất vàng là nắng Tân Rai
chạm vào nhánh lá tràn vai nắng vàng
vác cây xà gạt, thênh thang
bàn chân lội nắng nắng loang lối rừng
mùa mưa đã tới sau lưng
mà vàng cái nắng là mừng cái nương
(ngày mai thóc chảy về buôn
như con lũ nắng trên đường đang đi)
chồi lên kín rẫy xanh rì
phát mau ta phát sá gì, nắng đun
mau bùng lửa, phơi tro mun
mưa tra hạt, mầm xanh phun, rộng dài
rất vàng là nắng Tân Rai
ngày mai gùi nặng đầy vai nắng vàng.
1978 – 1979
DỐC MẠ ƠI
tặng các cô Thanh niên Xung phong
thành phố Huế đã có công khai canh
làng Hương Lâm, Lâm Đồng.
ngang qua đỉnh dốc Mạ Ơi
nghe tươi trong tiếng gió vời vợi reo
năm nào, vách núi cheo leo
bủa quanh em, mây rừng treo, gai dày
mưa trôi giọt lệ chảy dài
khóc dưới núi này, em gọi: Mạ ơi!
Mạ ơi! đồng đội nghe rồi
tựa vai nhau vượt đỉnh trời, buốt tê
phát cây, xe lối, mù che
ánh trăng lòng mẹ, bạn bè soi thêm
dốc dài đá thủng gót mềm
lại nâng từng bước chân em vào đời
Mạ Ơi – dốc có tên rồi
tiếng yêu thương giữa lưng trời, âm vang
hóa hừng đông sáng xóm làng
là cửa ngõ, bay hương ngàn, nắng khơi
dẫu qua bao núi bao đồi
nâng lòng nhau – tiếng Mạ ơi năm nào
dốc dù vơi cạn trôi hao
tiếng yêu thương mãi ngân vào mùa xanh.
1980 – 1981
HOA DẠI VÀ BÃO TÁP
TRÊN ĐẤT NƯỚC
MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM ĐÁNH GIẶC
nào tài hoa như Xuân Hương
không Kiều, vẫn nặng vết thương nỗi đời
ba lần bão xé phận người
khóc từng bến nước trong vơi đục đầy
đâu rồi áo lụa, trắng bay
giọng Hà Thành, cặp hồng tay, nắng vàng
tuổi hai mươi phủ màu tang –
mìn nổ tung, máu đỏ tràn lòng nhau! –
ngỡ chết bên bờ huyệt sâu
chiếc thai ba tháng biết đau đến giờ
đâu rồi phấn bảng, học trò
nhìn con lẫm chẫm bi bô, khóc òa
nghe con tập gọi tiếng cha
niềm di cư lạnh diết da phố phường
người tìm đến, yêu và thương
Tha La Xóm Đạo, mắt buồn huyền thêm
tù tàn binh, bão rừng đêm
chết mòn, xót vợ con thèm hạt cơm!
Nha Trang, vực mặn tối om
đêm khuya cú rúc chiều hôm biển nhòa
đành làm vợ lẽ người ta
cho con nương tựa, tìm xa xứ buồn
vỉa hè, lều chợ, bán buôn
đời chưa yên, ngất ngơ buông tâm mình!
thời cấm vận, thân lục bình
quẩn quanh đen đúa dòng kinh đen hồn
bão đời xô đẩy dập dồn
thành chai đá giữa chồng con ơ hờ
đâu rồi áo lụa nón thơ
tóc thề chung thủy bây giờ nơi đâu
Cà Mau, tàn dại úa nhàu
không làm Kiều vẫn thấm đau nỗi đời –
Xuân Hương khóc bằng tiếng cười
nước non chìm nổi, tim trôi, xoáy lòng
đâu rồi trang vở trắng trong
bão đen xối mực trên dòng lũ đen
nhìn con, mong ngày nắng lên…
mẹ già quằn quại khóc trên xứ người…
Đắc K’Rông! Vách trắng chân trời
bệnh phiền, nước mắt không rơi,
gọi thầm…
GẶP NGƯỜI QUEN Ở KON TUM,
NGHE CHUYỆN
ngày mai rồi sẽ ra sao
thôi thì đi được phương nào thì đi
làng cha đất tổ, buồn gì
phận nghèo rác rưởi sá chi. Bước liều…
… em xiêu giạt, anh giạt xiêu
cô đêm chái lạnh ngày thiêu vỉa hè
thím ở đợ, tỉnh trong mê
bạn từ rừng sốt trốn về giả điên
chiến tranh, bom đạn ngả nghiêng
thời cấm vận – cái khổ nghiền dưới chân
thương nhau còn phải thương thân
sợ lo sầu hận ruỗng dần thịt xương
nỗi sa sút hóa buông tuồng
khi bụi đắng lúc tượng buồn, mồ côi
gió lùa bụng trống, cầm hơi
giúp nhau, ruột thịt chân trời long đong
chồng chết bệnh, bèo ngược dòng
phận con rơi lại dắt bồng con rơi
ráo khô đôi mắt với đời
mẹ con chỉ thật là người với nhau!
bơ vơ, giờ được đỡ đầu
lòng quê đất mới xanh màu rẫy non
hai mươi tuổi ngập tủi hờn
dù sao, rốn cắt nhau chôn luống cày…
… nuôi chăng… tháng trắng, ngửa tay
niềm đau thăm thẳm giờ đây cao vời
ngỡ cay cực suốt kiếp người
bao nhiêu năm nhục, nay cười nhẹ mây
thôi nhé, đời còn cơ may
can chi mà khóc tháng ngày đã qua
mẹ thương Quảng Ngãi quê cha
con thương quê mẹ lên ba buồn rồi
đừng quên. Quên sẽ chơi vơi
mãi nuôi khát vọng làm người. Đừng quên
trăm năm mất nước, bừng lên…
non sông chia cắt…
Lá hoen, nắng òa…
làng xanh mùa mới, trông ra…
RỪNG TRĂNG
khuya trăng mùa cũ vô ngần biếc
nghe từ thăm thẳm giọng ru hời
gió buốt giạt gần xa thác réo
chim gì kêu vun vút tiếng roi
mọt nghiến thanh giường, rền rất bệnh
nỗi niềm sốt rét chưa đành ghi
hăm hở cày sách và cuốc đất
đôi đêm nằm thèm giấc ngủ khì
thuốc rê giấy bổi họng đắng khét
đắp tấm chăn rách vá, ngó trời
y hệt mối đùn thân đàn đá
hóa nấm mồ, nhang lập lòe ngời
thống nhất mới lên xanh thấy vượn
thú hú buồn thơ hú được đâu
hỡi ơi, trồng tóc tiên thạch thảo –
hoa cằn, sợi mượt ai cạo đầu?
thầy giáo ở rừng thành cán bộ
chốn chiến khu súng chẳng cầm tay
cá suối gay bắt dù đóng khố
lá rau lưng lửng bước say bay
toan sống lang bang lính bỏ ngũ
làm thằng thi sĩ sầu điên mê?
nhưng lẽ chi đầu hàng cơ cực?
quỳ hôn bóng mình in lòng khe?!
học mót tiếng Thượng đọc sách Mẽo
với học trò tuần bốn giờ gào
dẫu biết không mình thì kẻ khác
rừng đói cơm còn đói chữ sao!
cảm ơn người anh hùng lãng mạn
lay trái tim bằng ước mơ hồng
– thư viện xây trên đồi độc lập
điện sáng rừng – hào sảng cười ngông
cao nguyên một thuở trăng lộng ngát
sương móc rơi lạnh vỡ quanh nhà
thiếp mê hoảng đuối trước ghềnh xoáy
bật cười, tự nguyền rủa. Nắng òa.
HÁT TẶNG BÀI TÌNH YÊU MỚI
sớm mai nào cũng đi qua sông
từ bờ thương đi qua bờ nhớ
như điệu lí phù sa, xanh mượt mà làn quan họ
câu mái nhì nhịp nhàng bắc cong bao nhịp thơ
tấm tình ai trong biếc dòng Hương, xanh mơ
thường dừng chân ôm vai cầu thầm hát
mà thương câu hò có giọt nước mắt
rơi vào nón ngả ra trông cầu
bạn ơi, ta cầm lấy tay nhau
xôn xao nồng nàn với Huế
ở đất đa tình này ai chả thế
đưa mái đẩy vào lòng nước non
tội tình ngoại xưa khóc dưới cửa quan (*)
trả sưu thuế bằng thời con gái
xé nát câu hò: tình là cơm nguội chờ lòng đói
tủi thân ngồi trông dòng nước về đâu
khi về làng cha, mẹ khóc ướt ngọn trầu
nhìn xóm làng, rồi lòng cứ ngỡ
đeo kiềng cưới, vướng câu hò:
có chồng như gông đeo cổ
cha đi, chút niềm riêng cho đời con
mưa đầm tình mẹ bao nhiêu năm
không yên thân trong thời máu lửa
trái tim ngóng chồng dao cứa (**)
nước mắt chảy ngược vào lòng!
thì trong nắng bao la ta yêu hồng hào hơn
sớm nay qua cầu với gió mùa mới mẻ
cầm lấy tay nhau can chi mắc cỡ
gửi bóng ta về dòng nước trẻ trung
đò về từ đất mới từ nương rẫy mỡ màng
bắp ngô hé nụ cười xinh quá
da đỗ nắng hun đen sao lòng xanh thế
ăm ắp khoang và no mắt hân hoan
bạn có trông thấy đằng xa kia không
ngọn khói lò vôi và nắng ấm
như là mây, mây lên từ ước mơ, khỏe khoắn
đang tụ mưa xuống đời cơn mưa rất xanh
sông căng lụa, lụa trải lên khung
nắng thêu xuống mấy vài cầu, bóng mây, cây trái
mũi kim ai nhìn ta cười hấp háy
tia mặt trời trong bàn tay chồi non
tình ta xanh đồi núi xanh thông
thì thưa với mẹ cha:
ta ưa rót rượu vào nắng hạ
hoa quả Kim Long trầu cau Nam Phổ
cưới Nhật Lệ về cho xanh thêm dòng Hương
ta sẽ đưa nhau về một ngôi trường
với dãy nhà chung trên bãi xưa mìn trái
đã sạch làu thép gai chờm cỏ dại
cỏ xanh vươn tầng gác ngó ra sông
yêu trời cao cho trời cao cao xanh
thì thưa với bà con họ hàng đừng sốt ruột
góp nhành hoa giữa vườn hoa hạnh phúc
dắt nhau đi trên đường Huế đi lên
ta sẽ vun xanh thêm chồi xanh
bằng đất đai và ánh sáng
– bằng bảng đen và phấn trắng –
sống mãi với học trò tiếng hát nắng lên
ta càng thương càng thương nhau hơn
thương tâm hồn hoa lau dài tóc trắng
quý những bé con tung tăng
quàng khăn đỏ thắm
(đôi khi thèm bé lại để ngày sau khôn hơn!)
ta có nhau dưới trời yêu thương
thường tình ngoại xưa, uất ức
thương tình mẹ cha ta, khao khát
không đứt rời như nước chảy xuôi dòng
sớm mai nào cũng qua sông
gió xáo lên bao niềm yêu thương cũ!
tình yêu –
bầy chim chiều thì bay về tổ
học trò và ta
đến trường
ríu rít mỗi ban mai.
1976
Cước chú của bài Hát tặng bài tình yêu mới:
(*) Đây là một bài thơ tôi nhập thân để viết tặng những ai có hoàn cảnh gia đình như thế, trong 21 năm chia cắt đất nước (1954 – 1975). Nhập thân (hay còn gọi là biểu hiện bằng tự biểu hiện, như Nguyễn Du biểu hiện tâm trạng nhân vật của mình trong Truyện Kiều, Nguyễn Nhược Pháp biểu hiện tâm trạng cô bé đi chùa Hương, Xuân Diệu biểu hiện lời kĩ nữ…), vốn là thủ pháp tôi nhiều lần sử dụng, với quan niệm về sứ mệnh của người làm thơ là viết thay cho nhiều người, chứ không chăm chắm thể hiện cái tôi của bản thân.
(Chú thích ngày 24. 03. 2005).
(**) Nguyên văn hai câu này đã đăng ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng, 1977:
không yên thân trong tầm mắt cú
nhận xác ai là chồng, rồi lên phường khai tử
(Chú thích ngày 24. 03. 2005)
ĐẤT GỌI THẦM
Đà Lạt, tiếng gọi thầm
cháy lòng tôi thuở nhỏ
diều bứt dây theo gió
mơ bay về cao nguyên
ơi cao nguyên cao nguyên
rạo rực trong giọng hát
đến trường trên khuôn nhạc
dấu chân vang bổng trầm!
phố núi suốt trăm năm
thông xanh lòng vút thẳng
gương mặt Xuân Hương sáng
trong sương mù uy nghiêm
Đà Lạt, mẹ và em
cây mướt xanh quả đỏ
qua một thời giông gió
mùa hoa bừng nắng lên
phố núi gọi người lên
Huế xanh triền đất mới
thắm một vùng Hà Nội
ấm vòng tay Lâm Đồng
em bé Huế má hồng
như được thơm suốt buổi
bếp lửa người Hà Nội
reo tiếng ngo Lâm Đồng
đồi tiếp đồi, mênh mông
cây nối cây, xanh ngắt
hoa chè lâng hương ngát
cà phê trắng ngọt nương
ơi cao nguyên biếc sương
khoai ủ vàng nắng mật
sú lơ như bọt thác
vườn bừng sôi rượu tăm
Tây Nguyên, tiếng gọi thầm
dẫu hôm nay đã đến
mai nào không xao xuyến
ngày nào không khởi công!
1978
HÁT LÙA BÒ VÔ BƯNG
sớm mai vác cuốc vô bưng
vui vui ta hát trên lưng bò vàng
đương nhiên rạng nắng sương tan
mát lòng ta vẫn hân hoan tối ngày
cuốc ta lấn đất đầm lầy
bò ta ơi cứ nhai đầy cỏ non
ăn no trĩu sữa dày con
cuốc chăm lật đất sáng hơn trăng rằm
bò no nặng bụng cứ nằm
đừng mê dạo cảnh lún đầm bò ơi
mốt mai đồng rộng chân trời
máy reo cỏ ngọt bò ơi xanh tràn
tha hồ bò nhé, thênh thang…
1976
CÔ GÁI ĐẸP ƠI,
XIN ĐÀNH VÔ TÂM YÊU EM…
I
em xinh đẹp cho mắt tôi thảng thốt
sao quá rỗng không đến mức lạ kì
nhan sắc ấy từ lâu em có được
cũng nhờ trời thì hợm hĩnh làm chi!
giá trời đất chỉ cho em đôi nét
những nét kia ngời trí tuệ riêng mình
và thơm thảo đoan trang dịu dàng tính nết
trong tầm tay như hoa trái lung linh
cần cái xấu để tôn lên vẻ đẹp?
(sự tàn nhẫn của nhị-nguyên-vật-chất,
ôi cõi nhân sinh!)
phải chăng luân hồi – công bằng của Phật –
thượng đế trừng phạt loài người và chịu đóng đinh?
sao tôi vẫn một đời mê muội
mãi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tự trời…
phải chăng, nếu vô thần đến tận cùng ý nghĩ
cả loài người sẽ tự sát?
Em ơi!
dẫu biết là không. Đời vẫn vậy. Và bao tật nguyền
khủng khiếp chẳng cách nào cứu chữa
xót thương nhau chỉ xoa dịu lòng mình?
tôi vô tư đến vô tâm để sống
sống giữa đời, trơ thế, cũng kinh!
nên càng yêu em tôi càng muốn khóc
em tốt tươi như hoa cỏ vô tình
tôi trìu mến bao hồn sâu thẳm
để đêm đêm chỉ khát đóa môi xinh!
II
trước những nỗi đau hình hài,
thả buông,
tôi nghe có điều chi rạn vỡ tan tành
có phải loài người khát vọng Siêu Nhiên
để khẩn cầu và nguyền rủa!
ngờm ngợp hư vô ghê rợn quá
níu vào đâu giữa thảm khốc vô bờ?
chẳng lẽ tôi yêu em, cái đẹp ngu ngơ?
dẫu đập vỡ hư vô: Không có gì tan mất!
tiếng ngọc Trương Chi qua nàng Dạ Xoa
quá đẹp cõi đời! Còn em, cạn trơ nhan sắc?
ôi tiếng cười, nước mắt
về niềm băn khoăn thường tình.
Lòng xanh trẻ thơ.
( xem tiếp phần 3 )