GÓP THÊM LỜI BÀN LUẬN: CHUẨN VÀ QUYỀN VÀO HỘI NHÀ VĂN
Trần Xuân An
Bàn về văn chương, nhất là về lĩnh vực sáng tác, có lẽ nên đặt trên hai bình diện:
1) Văn chương là tác phẩm phát ra từ tâm hồn (gồm cả tâm linh – sự giao cảm cùng người xưa, trời đất) với tất cả chân thành. Do đó, văn chương là cõi riêng và là cõi thiêng liêng, cho dù thiêng liêng với ý nghĩa gần gũi, nhân bản (1) nhất.
2) Văn chương tự ngàn xưa còn là một phương cách góp phần vào xã hội, tác động đến xã hội. Trong thời đại xuất bản, báo chí nở rộ cùng kĩ thuật in ấn, làm văn chương còn là một nghề nghiệp, tuy kiếm sống bằng nhuận bút là chuyện hiếm hoi.
Bàn đến việc vào hội nhà văn, ở đây là Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta chắc hẳn đã nghiêng về bình diện thứ hai (nghề nghiệp), mặc dù hai bình diện kể trên, ngay cả trong thời hiện đại, phải là một. Tôi không nói đến trường hợp viết theo đơn đặt hàng của báo chí hay cơ quan tuyên truyền, thường là lí trí hơn là tâm hồn với tất cả chân thành của trái tim (2).
Khi đã bàn đến nghiệp vụ và bàn đến việc gia nhập hội nhà văn (chủ yếu là một tổ chức nghề nghiệp của các nhà văn chương, gồm nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận – phê bình văn chương) là bàn đến mức độ nhất định về sự tinh thông nghề nghiệp (kĩ thuật văn chương), trình độ tri thức (nhận thức về con người, xã hội, văn hóa, lịch sử, triết học…), tất nhiên không thể không kể đến điều quan trọng, có tính quyết định là tài năng, tâm năng. Tất cả đều thể hiện ở tác phẩm. Cũng có thể kiểm định nhau trong trại sáng tác và suốt cả cuộc đời của nhau, trên văn đàn, từ vài chục năm đến dăm bảy chục năm cầm bút.
Bàn đến tổ chức nghề nghiệp như nghiệp đoàn lao động cầm bút là xét đến quyền và nghĩa vụ công dân hành nghề: Có quyền vào Hội và có nghĩa vụ với tổ chức Hội.
Về tác phẩm, người cùng thời công nhận giá trị tác phẩm của nhau là khó, nhất là trong bối cảnh lịch sử hậu chiến và trong sự tranh chấp giữa những bộ phận xã hội khác nhau về quyền lợi.
Nếu đặt ra yêu cầu quá cao về chất lượng tác phẩm, Hội Nhà văn Việt Nam không còn mấy người. Nếu đặt ra yêu cầu quá thấp, Hội Nhà văn không còn là Hội Nhà văn nữa.
Vì thế, tôi mạnh dạn đề xuất một cách cụ thể:
Đối với nhà văn [xuôi], nhà thơ, nếu đúng nghĩa, phải là người chuyên về sáng tác và đã có tác phẩm ít nhiều có giá trị, đồng thời cũng phải có trình độ và năng lực viết lí luận - phê bình văn chương, nghĩa là đã vượt qua trình độ sáng tác cảm tính (3).
Lẽ ra, các nhà lí luận – phê bình, nghiên cứu văn chương cũng nên tự yêu cầu phải biết sáng tác văn chương. Biết sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí sẽ giúp người lí luận, phê bình, nghiên cứu hiểu sâu, hiểu đúng hơn về nhà văn, nhà thơ và lao động nghệ thuật của họ, đặc biệt là tác phẩm của họ.
Nếu hội đủ điều kiện trên với hai đầu sách (cùng một số bài khác chuyên ngành trên báo hoặc bài lẻ khác trên các điểm mạng toàn cầu, cụ thể là các bài lí luận – phê bình của nhà thơ, nhà văn; các bài sáng tác của nhà lí luận – phê bình) là có quyền vào Hội Nhà văn Việt Nam với quyền và nghĩa vụ của những công dân cầm bút văn chương.
Điều quan trọng nhất là chất lượng tác phẩm. Chất lượng, giá trị tác phẩm, về lâu về dài, phải có sự thẩm định của thời gian. Mọi thẩm định cùng thời chỉ có giá trị trước mắt và tương đối mà thôi, tuy cần thiết nhưng không thể xem đó là sự thẩm định tuyệt đối.
Xin tạm kết như thế này:
Về bình diện tác phẩm xuất phát từ tâm hồn, khi bàn đến một cách thô bạo, rạch ròi như đong đếm thì quá phi nhân và phi văn chương. Nhưng về bình diện thứ hai, nghề nghiệp với trình độ nghiệp vụ nhất định, thì chỉ dám bàn như trên, cụ thể là phải đạt chuẩn, vượt qua trình độ sáng tác cảm tính hay lí luận – phê bình kiểu quan liêu, máy móc, sách vở. Về quyền gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, phải được khẳng định mạnh mẽ ấy là quyền công dân cầm bút, nhân quyền của người cầm bút. Như vậy, cơ chế dân chủ - công khai là vô cùng cần thiết (4). Dân chủ - công khai là một trong những thành tựu văn minh của nhân loại ngày nay.
Trần Xuân An
Từ khoảng 06:00 đến 07:40, ngày 30-10 HB9.
_________________
(1) Lấy con người làm gốc.
(2) Có một ít nhà văn, nhà thơ “gặp may”, khi đơn đặt hàng hợp với tạng chất, đặc biệt là trùng hợp với vấn đề đã và đang nung nấu trong tâm trí. Nhờ vậy, một số tác phẩm loại này vẫn rất có giá trị về văn phong, tư tưởng và hàm lượng hiện thực…
(3) 30-10 HB9: Bài đã được đăng tải trên 2 trang thông tin điện tử Trúc Sơn Trang (XuanDuc Vn) & TranNhuong Com:
http://xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=925&nhom=6
http://trannhuong.com/news_detail/2892/TẠI-SAO-NHIỀU-TÁC-GIẢ-MUỐN-VÀO-HỘI-NHÀ-VĂN-?
__________
(4) 31-10 HB9: Vấn đề là cơ chế và tư duy. Đổi mới cơ chế, từ “xin – cho” trở thành “chuẩn – quyền & nghĩa vụ”, và đổi mới tư duy, từ thiếu dân chủ, bưng bít thông tin trở thành dân chủ – công khai (“dân/nhà văn biết; dân/nhà văn bàn; dân/nhà văn làm; dân/nhà văn kiểm tra”), thì tất thảy đều thành công, và thành công hơn trước, khỏi bị ai oán thán; ai cũng được bình đẳng nhìn thẳng vào nhau, thoát khỏi cảnh mất phẩm giá, thế thái nhân tình... Giới cầm bút thời nào cũng đấu tranh cho dân chủ và đấu tranh mạnh mẽ nhất, mà nay lại thiếu dân chủ – công khai, cũng ở trong vòng cơ chế "xin - cho" thì … kì cục quá!