THÚY KIỀU CỦA NGUYỄN DU
ĐÃ VÀO HỘI NHÀ VĂN THUỞ XƯA?
Trần Xuân An
(viết theo liên tưởng của một người trẻ tuổi)
Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) lúc mấy tuổi? Thể thức kết nạp như thế nào?
Trong một bài viết mới đây của tôi, tôi có dùng thành ngữ “cùng hội cùng thuyền” với một văn cảnh nhất định, không hàm ý nói đến tình cảnh bi đát, khổ nhục của những người tài hoa trong xã hội xa xưa nào đó, nhưng có lẽ, mặc dù không trực tiếp, mà lại chi phối nhiều hơn, ấy là không khí báo chí, điểm mạng toàn cầu các loại bàn đến chuyện hội nghề nghiệp văn chương khá nhiều, nên chàng trai trẻ thân thương của gia đình tôi chợt liên tưởng đến “hội đoạn trường” trong Truyện Kiều:
“Hàn gia ở mé tây thiên,
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
Mấy lòng hạ cố đến nhau,
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
Vâng trình hội chủ (*) xem tường,
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên.
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa!
Này mười bài mới mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời”.
Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
Xem thơ nức nở khen thầm:
“Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.
(câu 195- 210)
Chàng trai trẻ thân thương ấy lại có thêm lời chúc, đại để: Chúc các hội nhà văn chương không phải là HỘI ĐOẠN TRƯỜNG mà là hội nghề nghiệp chính danh của những người cầm bút đồng thời là những công dân tự do, tự chủ và độc lập.
Tôi ngẫm nghĩ, cũng nên viết lại thành một bài phiếm đàm cho vui. Và trước hết, nghĩ ra mấy câu giáo đầu, như một cách “rao bài”, phỏng theo cách của mấy bà rao quà vặt dọc phố: Thúy Kiều của Nguyễn Du đã vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) lúc mấy tuổi? Thể thức kết nạp như thế nào? Lời chúc của chàng trai trẻ thân thương chép trích đoạn Truyện Kiều ấy có chí lí không?
Chưa kịp viết thành bài, có bạn gọi điện thoại thăm hỏi. Nhân thể, tôi đọc trích đoạn Kiều cho bạn nghe. Bạn cho rằng rất vui, thâm thúy, và lời chúc phản đề cũng rất chí lí. Hình như chàng trai trẻ thân thương cũng có nghe cuộc điện thoại ấy, nên hứng chí phân tích cụ thể nhiều điểm. Tôi sắp xếp lại cho mạch lạc, dựa theo mấy câu “nêu” rao bài trên kia:
1) Thúy Kiều của Nguyễn Du vào Hội Nhà văn (Hội Nhà văn chương) vào độ tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (khoảng từ 13 đến 16 tuổi).
Nói theo cách quan niệm ngày nay, Thúy Kiều đúng là thần đồng (tài năng vị thành niên)!
2) Thể thức kết nạp: Thúy Kiều cùng “hồn ma” hội viên Đạm Tiên cảm mến nhau; Đạm Tiên đem tác phẩm của Kiều trình lên hội chủ (chủ tịch hội). Hóa ra, trong danh sách hội viên dự tính kết nạp, vốn được những ai đó (theo tư tưởng xưa, là tiền định) kín đáo đề cử, đã có tên Vương Thúy Kiều! Ngay sau đó, hội chủ liền cử Đạm Tiên đem mười bài thơ đoạn trường mới của các hội viên trong hội cho Thúy Kiều họa, như một cách thử tài, kiểm định năng lực viết lách, sáng tác theo đề tài, thể và vần cố định, trước khi chính thức kết nạp. Và Thúy Kiều đã vượt yêu cầu. Theo nhân định của Đạm Tiên, 10 bài họa thơ của Kiều xứng đáng được trao giải nhất, vượt lên tất thảy các tác giả hội viên trong tập thơ đoạn trường (đoạn trường thi tập).
Thể thức kết nạp rất hay! Phải nói ngay như thế. Nay có thể vận dụng sáng tạo, vì đâu còn mấy ai họa thơ, một trong những cách sinh hoạt văn chương cổ truyền, như thuở xưa nữa.
3) Lời chúc phản đề của chàng trai trẻ thân thương tất nhiên là chí lí, vì chúng ta đang sống trong thời đại độc lập, tự do, dân chủ (hi vọng dân chủ nhiều hơn) và bản thân mỗi nhà văn chương đều tự chủ (hi vọng tự chủ nhiều hơn), không một người cầm bút nào lại “đánh đĩ văn chương” (“làm đĩ ngòi bút”) của mình (hi vọng dân quyền, nhân quyền nhiều hơn).