Lời thưa trước: Thơ ca vốn rất phong phú về đề tài. Có thơ đời (xã hội), cũng có thơ nước (yêu nước), thơ nhà (kính thương cha mẹ, yêu vợ quý con), thơ tình (yêu đương thời trẻ tuổi). Lại có thơ triết (triết lí, triết học), thơ đạo (như thơ thiền chẳng hạn). Tất nhiên cũng lâu rồi, đã có thơ sử, rất đậm nét trong thơ thế giới và thơ Việt.
Tuy thơ yêu đương luôn luôn được người đọc mọi nơi, mọi lứa tuổi đón nhận, đồng cảm nhiều nhất, nhưng bó hẹp thơ trong lĩnh vực ấy là làm nghèo thơ đi, thậm chí là đẩy thơ vào lối nhỏ, so với con đường truyền thống thơ và ca dao Việt vốn rộng rãi, khiến thơ thua kém những thể loại khác, như truyện ngắn, kí tiểu thuyết, kịch...
Thơ sử, không phải diễn ca lịch sử, mà là thơ trữ tình về lịch sử, góp phần làm phong phú thơ và cũng rất cần thiết cho cuộc sống.
Cho dù viết về lĩnh vực nào, cái tôi của tác giả trong thơ trữ tình chỉ cần có một thái độ nhất định với ý thức về tính lịch sử – cụ thể, để khỏi đưa tâm hồn, tư tưởng mình và người đọc đi lạc. Thiết nghĩ như thế là đã đủ trách nhiệm cầm bút.
TXA.
02 – 26-11 HB10 (2010)
CHÙM THƠ SỬ VỀ QUẢNG TRỊ
(7 bài)
Bài 1
Trần Xuân An
SÔNG ÁI TỬ VÀ OA OA THẦN NHÂN
mở cõi, thuở đầu xa xăm
nhan sắc cũng đành ra trận
nước mắt đoá sen lấm bẩn
thành rừng ngọc sáng Nàng Lâm (1)
thần sông Ái Tử thương con
chẳng muốn phải nhiều máu đổ
nội chiến là điều đáng sợ
oa oa báo mộng chập chờn
Lập Bạo một mình trôi sông
quân Mạc vạn nghìn được sống
Cồn Tiên mấy làng trải rộng
rừng ngời thóc quả, mênh mông
chợt nhớ nơi nào Đào nương (2)
tiếng hát cũng đành vào trận
thành hoàng mừng và ân hận
Oa Oa chiến thắng và thương! (3)
sống giữa Quảng Trị bao năm
quê hương – ngoại xâm – cởi trói
rời xa, lắng từng đổi mới
yêu sao sử với hương trầm.
TXA.
21:20 – 22:05, 27-10 HB10
(1) Ngô Thị Ngọc Lâm (Ngô Thị Trà, làng Thế Lại, Thừa Thiên). Qua Qua, Trảo Trảo là các âm gọi khác của Oa Oa nữ thần, và có thể cũng biểu hiện hai ẩn dụ: tiếng khóc trẻ con; tiếng bới cát để mai phục. Xem sự tích này ở “Đại Nam thực lục”, tiền biên, kỉ Gia Dụ Nguyễn Hoàng, “Đại Nam nhất thống chí”, kinh sư (Thừa Thiên - Quảng Trị).
(2) Làng Đào Đặng (cũng gọi là làng Ả Đào), tỉnh Hưng Yên. Danh từ đào nương, từ đời Lý, vốn xuất phát từ làng này. Đào Nương dùng giọng hát của mình để quyến rũ giặc Minh (Trung Hoa) và tiêu diệt chúng. Xem: Ngô Đức Thọ, “Từ điển di tích văn hoá Việt Nam”, Nxb. TĐBK., 2007.
(3) Ngô Thị Ngọc Lâm và Đào Nương (và cả An Tư công chúa đời Trần), đều hi sinh trinh tiết vì nghĩa lớn, nên dân làng, dinh tổng trấn, triều đình có thể hiện niềm ân hận, tủi thương trong sự tôn vinh.
(câu đầu tiên bài thơ này, TXA. đã tự chỉnh lại như trên)

Miếu Qua Qua, Ái Tử, Quảng Trị -- Hình 2

Kinh đô chúa Nguyễn đầu tiên ở Quảng Trị
Bài 2
Trần Xuân An
TƯỞNG NIỆM NGƯỜI ANH HÙNG
TRẦN XUÂN HOÀ (?-1861)
đã đành hoa trắng Thâm Khê
thơm vào Mỹ Quý tư bề phương Nam
bao năm ở, mấy lần thăm
tìm đâu, Quảng Trị, đền trầm hương xưa? (1)
người anh hùng sáng lòng vua
đỏ lòng dân thuở bốn mùa nến chong
những gì tàn phá, trống không
chỉ còn trang sử rêu phong, quê mình!
phố phường quốc tế, rộng rinh
tên anh hùng sáng lặng thinh tên đường
tên Người – ngọn lửa cố hương
nung gươm Phủ Cậu Định Tường diệt Tây (2)
sáu lần toả đánh, giải vây
chí bền bĩ luỹ tre dày, hào sâu
rơi vào tay Pháp, lòng đau
giữ thơm danh tiết nghìn sau đất này
vẫn nghe Thành Cổ xót cay
đền thờ thuở ấy, lâu nay đâu rồi?
biển quê sóng nhắc khôn nguôi
Trần Xuân Hoà, xương rồng ngời sáng quê.
TXA.
15: – 17:45, 27-10 HB10
(1) Quê gốc: làng Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; từ đời thân sinh, đã vào Nam bộ. Mỹ Quý (Quí), tỉnh Định Tường (Tiền Giang) là nơi ông lập căn cứ, liên kết với Trương Định, Võ Duy Dương, Thủ khoa Huân và các lực lượng nghĩa binh Nam Kỳ khác để chống Pháp. Xem “Quốc triều hương khoa lục”, “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức, “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4).
(2) Người dân địa phương thường gọi quan tri phủ Trần Xuân Hoà của mình một cách vừa kính trọng, vừa thân mật là Phủ Cậu (ông cũng là con trai của bố chính sứ Trần Tuyên).

Căn cứ Mỹ Quý & Trần Xuân Hòa (?-1861)
Bài 3
Trần Xuân An
MỘ ÔNG CHƯỞNG (?-1869),
MỘT ĐỊA DANH QUÊ HƯƠNG
(đã chỉnh sửa nhỏ, 11-11 HB10)
tự bao giờ dân khắc sâu
thành tên trảng cát nghìn sau vẫn còn (1)
phỉ Tàu thuở quấy nước non
nghe Phan Bân đã lạnh hồn trốn xa (2)
máu tử tiết mãi chói loà
người Hải Lăng, phút trót sa bẫy thù
đọc ngàn vạn sách vẫn mù
một hôm sáng mắt tuổi ngu ngơ nào
phải đâu huyền thoại trời cao
đất quê là sử, trót xao lãng lòng!
bỗng thèm học tại nguồn sông
mạch khe chóp núi cánh đồng quê xa.
TXA.
19: – 21:07, 27-10 HB10
(1) Mộ Ông Chưởng ở vị trí rất gần với thị trấn mới của huyện Hải Lăng, Quảng Trị hiện nay.
(2) Người huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Có thể xác định xã nguyên quán là Hải Lâm, Hải Thọ hay Hải Thượng? Vui lòng xem bài vị ở Trung Nghĩa từ, Huế). Ông vốn là chưởng vệ (chỉ huy một vệ quân), sung đề đốc hải phận Hải Dương - Quảng Yên, nên gọi là Ông Chưởng. Xem “Đại Nam thực lục”, kỉ Tự Đức, “Đại Nam liệt truyện”, nhị tập (bản dịch: tập 4).