2
NGUYỄN BẠCH DƯƠNG
nhà thơ
Tên thật: Nguyễn Kim Dũng
sinh năm Quý mùi 1943
tại: An Bình, Cao Lãnh, Đồng Tháp;
hội viên Hội Nhà văn Việt Nam;
qua đời vào ngày 11-12 HB6 (2006) [21-10 năm Bính tuất HB6]
tại TP.Hồ Chí Minh.
Đã in:
- Sau cơn địa chấn (Tạp chí Biểu Tượng - 1964)
- Hoàng (Tạp chí Biểu Tượng - 1965)
- Thơ anh và tình em (Hội VHNT. Cửu Long - 1987)
- Lặng lẽ vần thơ yêu em (Hội VHNT. Cửu Long - 1991)
- Bí mật của bé (thơ thiếu nhi, NXB. Đồng Nai - 1996)
THƠ
NGUYỄN BẠCH DƯƠNG
Xem tranh chăn trâu
Một người một trâu
Dắt nhau ra đồng
Trâu ăn cỏ sớm
Người lắng thinh không
Đi về đủng đỉnh
Chìm cõi mênh mông
Trâu nhơi cỏ nát
Giữa nắng bềnh bồng
Trâu còn người mất
Trâu mất người còn...
Giữa có và không
Sợi dàm lẩn quẩn
Buộc chặt tâm nhìn
Gỡ hoài không tuột.
Lục bát cảm ơn
Ném xuống ao một chút lòng
Chờ xem sóng gợn mấy vòng nghĩa nhân
Vạch tìm trong đám cỏ xuân
Hỏi thăm châu chấu mấy lần ghé qua
Trả nguyên mặt đất thật thà
Bao nhiêu cây dại nở hoa tím đồng
Cảm ơn lá nhỏ trôi sông
Vẽ nên hình tượng bão giông những ngày
Giữ lời ơn của hôm nay
Gieo trên mầm cỏ những ngày gió quên
Mai sau từ trận mưa rền
Mầm ơn sẽ mọc bù lên mộ phần.
Phố ơi!
Phố vui ở lại với phường
Ta về thăm ruộng gặp vườn tuổi thơ
Dòng kinh cụt vẫn đợi chờ
Lớn ròng mấy độ ơ hờ mấy năm
Đồng ơi có những trăng rằm
Lửa rơm ai đốt mù tăm bóng hằng
Vườn ơi còn nhớ mùa trăng
Lá tre vụn cắt trăng nằm dưới mương
Phố ơi! Ở lại với phường
Ta còn đắp đập tắt đường cá bơi
Tát đìa tìm của đánh rơi
Năm mười ba tuổi - mắt người áo nâu
Phố phường ơi! Tạm biệt nhau
Tuổi thơ ta trước có màu cỏ xanh
Qua vườn hái, lượm hoa chanh
Hai tay bắt được lá xanh ngày đầu
Phố phường ơi! Chậm giục nhau
Để ta nán lại ít lâu với đồng.
Mai sau lá cỏ
Nắm trong tay cọng cỏ vàng
Ngó tìm màu của đêm tàn trốn đâu
Tiếng con dế gáy mùa đầu
Có trong sợi nắng phía màu lãng quên
Sót trong tay chút gió ghềnh
Gởi theo lá úa cuối nền nhà hoang
Dấu chân ngày ấy lỡ làng
Giẫm lên trăng mới úa màu (*) cỏ thi
Với tay - vốc nước được gì?
Mở môi lời đủ thầm thì dối nhau
Đầu giường trải giấc chiêm bao
Ngọn đèn hạt đỗ gợn đau đêm rằm
Trong tay còn cọng cỏ nằm
Gỡ ra chợt thấy có mầm kén sâu
Mai ngày bướm lượn vườn sau
Nhớ chăng cọng cỏ ùa màu vàng tăm.
NGUYỄN BẠCH DƯƠNG
(*) Vàng? [txa. / bt.].
Nguồn:
http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacgia.asp?TGID=46
http://www.vuhong.com/THO/nguyenbachduong.htm
http://chuyenphapluan.com/cpl/index.aspx
(Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Bạch Dương - Văn Quốc Thanh (Hội VHNT. Vĩnh Long)
14 & 15-12 HB6 (2006)
3
TRẦN DZẠ LỮ
nhà thơ
Tên thật Trần Văn Duận,
sinh năm 1949 tại Huế;
hiện cư trú tại Sài Gòn (TP.HCM.), Việt Nam.
Khởi làm thơ năm 1960.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Hát dạo bên trời (Nxb. Trẻ, 1995)
- Gọi tình bên sông (Nxb. Trẻ, 1997)
THƠ
TRẦN DZẠ LỮ
Gửi Đỗ Phủ
tặng anh Cung Tích Biền
Tôi sinh sau đẻ muộn
sao tâm sự giống ông
tình mây bay gió cuốn
đau từng câu thơ Đường
Đã đi khắp xứ sở
từng đụng nỗi hàm oan
đời sống và trang kinh
chưa bao giờ là một!
Lễ nghĩa mà thưa thốt
vẫn ngộ nạn như Kiều
tôi ẵm bồng sự thật
để về ngõ cô liêu...
Càng yêu người bao nhiêu
xót xa kia càng lớn
góp nhặt từng cơn mộng
bói không ra tình yêu
Thanh xuân thoáng bay vèo
ngẩn ngơ nhìn tóc trắng
cuộc sống có bao nhiêu
mà khổ đau bằn bặt?
Thà say như Lý Bạch
thà cuồng như Trí Thâm
tỉnh như tôi và ông
chỉ thêm mầm bệnh tật!
Nhưng mình mau nước mắt
mặn nồng với cố hương
lẽ nào ta ngoảnh mặt
trước bức bách đời thường?
1990
(trích từ tập thơ "Hát dạo bên trời")
Khi qua dốc Mạ Ơi ở Ba Lòng
trong đám đi tìm trầm
chốn thâm sơn cùng cốc
có người là nông dân
bỏ cày lên mạn ngược
có kẻ ở thị thành
bẻ bút làm hảo hớn
cũng có "anh hùng tận"
vác rựa lên sườn non
có tay đời lận đận
tìm kiếm phút huy hoàng
lại có người là thánh
có kẻ là ma vương
tất cả đều thượng sơn
cô hồn chung một lũ
ngày rừng chan mưa lũ
râu tóc ướt phiêu bồng
nói chung, đám tìm trầm
vì đói cơm rách áo
người yêu coi như không
vợ con như gió thoảng
chiều nay, qua Ba Lòng
vì đâu, mà thương nhớ
đâu phải giò phong lan
tim tím chiều mắt ngó?
cũng không phải chùn chân
trước núi rừng muông thú
nhưng mà, cả binh đoàn
đều rưng rưng nước mắt
lúc leo qua con dốc
có tên là Mạ Ơi (*)
dốc còn cao mong đợi
tình còn sầu chơi vơi
riêng ta, thì em ơi
nhớ miền Nam tha thiết
Sài Gòn có em biết
nỗi đau của mưa rừng?
không ngãi cũng tìm trầm
đó là điều có thật.
Ba Lòng 1985
(trích từ tập thơ "Hát dạo bên trời")
(*) Mạ ơi! (tiếng gọi mẹ); trở thành địa danh, nên viết hoa cả hai chữ
(hoặc để trong ngoặc kép: "Mạ ơi!"). [txa. / bt.].
Hát dạo bên trời
Ôm nửa vầng trăng lạnh
ta về bên trời cao
hát điên đời hiu quạnh
chống gậy nhìn mưa mau
Tuổi nay gần tam thập
sống lẻ như đá mòn
bằng hữu mù tăm tắp
tình nhân như dao đâm
Mấy năm rồi không gặp
hồn nứt nỗi âm thầm
nhất túy buồn thêm đậm
ca ngâm
vời cỏ cây
Cùng chỉ màu khói sương
ngẫm nghĩ hoài hương đỏ
mắt mờ
đường chiêm bao
Ngắt một cành hoa nhỏ
nhớ thu biếc hôm nào
hồn ta chao chớn gió
nay biết về nơi đâu?
1973
(trích từ tập thơ "Hát dạo bên trời")
Gọi tình bên sông
Có một lần nhớ quá
ra sông đứng gọi tình
tình xa, người hoá lạ
chiều mồ côi cánh chim...
Có một đời xưa quen
đã mù sa cổ tích
kỷ niệm sầu chia nhánh
Địa Ngục và Thiên Đàng
Rạng đông màu mắt em
sực nức hương buổi sớm
hoàng hôn túa trong anh
từ ngày chia biệt mộng
Qua sông hề sông rộng
soi bóng dài chiêm bao
biết tìm nhau nơi đâu
giữa mù khơi đời sống?
Có đôi lần đứng ngóng
ngày tình nhân chia lìa
vỗ đàn mà hát hỏng
nhớ sum vầy xưa kia...
Có nhiều lúc chơi vơi
hôn Cúc vàng thầm lặng
thương ơi tờ lụa mỏng
em biệt dạng bên trời.
1990
(trích từ tập thơ "Hát dạo bên trời")
Nguồn:
Website Đặc Trưng
http://dactrung.net/tacgia/default.aspx?TacGiaID=ISSUO9%2bcRabZ1mY7oVblKA%3d%3d
Người gửi: Dương Hoài Ninh
15-12 HB6 (2006)
Ở chợ
tặng Trần Xuân An
Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
Sáng bảnh mắt ra, ngồi độc ẩm
Chiều về tra vấn lấy lương tâm
Mười năm ở chợ, ơi trần trụi
Em ạ, em xa ở chốn nào?
Có thấy ngày xanh ta chuốt mộng
Không thành, nên đắp chiếu thương đau...
Ở chợ đông, sao hồn cứ lạnh
Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều?
Thiên hạ đùn nhau đi kiếm sống
Nhân ái? Tang-thương-ngẫu-lục nhiều
Ta bán rau xanh, ngày mệt lử
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo - vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?
Mười năm ở chợ không thay đổi
Tâm tánh ta xưa vốn thật thà
Đâu ước công hầu mơ khanh tướng
Bạc tuổi thanh xuân mong có nhà!
Hồn ta ở chợ thương quê cũ
Nhớ áo nâu xưa, nhớ mẹ già
Nhớ bông bưởi rụng đêm mười sáu
Thơm ngát môi em trước hiên nhà...
Mười năm ở chợ không tri kỷ
Gác chuyện văn chương thấy chẳng đành
Nên ta độc thoại - Ta đây nhỉ?
Thương nhớ xa xăm một bóng hình.
1989
(trích từ tập thơ "Hát dạo bên trời")
Thơ tặng H.
khi mùa thu đến
Mình tan loãng vào nhau
Từ lúc nào không biết
Em như là chiêm bao
Mềm trong anh cần thiết
Thương lúc nào không biết
Mà nghiêng ngửa hồn xưa
Anh - sông trôi biền biệt
Cũng nhớ ngoảnh lại bờ
Em đi vào trong thơ
Từ lúc nào không biết
Trái tim anh sắp Tết
Dẫu thu đang thầm thì...
Phải ngày xưa không nhỏ
Mình tan loãng vào nhau?
Mặn nồng cơn thương nhớ
Cẩn vào tình ca dao
Nhưng rồi mình xa nhau
Bất ngờ như lúc đến
Anh - đường dao oan nghiệt
Cắt ngọt tình hương ngâu
Năm năm em mật đắng
Vàng lạnh chiếu chăn người
Năm năm anh gặm nhấm
Dấu ăn năn bên trời
Bây giờ thu em ơi
Còn đâu mà tan loãng?
Em đã thành dĩ vãng
Anh là gió trùng khơi.
1993
(trích từ tập thơ "Hát dạo bên trời")
TRẦN DZẠ LỮ
Đưa lên web:
18-12 HB6 (2006)
4
HÀ NGUYÊN DŨNG
nhà thơ
Tên thật Nguyễn Dũng,
sinh năm 1946 (Bính tuất) tại Hà Mật, Ðiện Bàn, Quảng Nam.
Khởi viết từ 1964 với bút hiệu Hà Mật Thương.
Hiện cư ngụ tại TP.HCM., Việt Nam.
Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Quê tình (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., thơ 1992)
- Hột muối bỏ sông (Nxb. Trẻ, thơ 1996)
THƠ
HÀ NGUYÊN DŨNG
Một chút ta
em chớ cười, ta tuổi bính thân (*)
là con khỉ nên ta hảo ngọt
ăn trộm đào, may - không bị bắt
bị nắm quăng rơi xuống cuộc người
em cũng như một loại trái tươi
mầu nhiệm, ngon hơn đào thượng giới
ta vói mãi cũng không đụng tới
trái-ngon-em lủng lẳng cành mơ
ta căng lòng dưới gốc đời, chờ
chỉ hứng được mấy nhành lá úa
không đủ nhóm thành đống lửa
thẻo buồn nướng - rượu lưng hồ
nỗi buồn như chiếc vòng kim cô
ta loay hoay gỡ mãi
sực nhớ, ngẩng nhìn thấy trái
con chim nào đã tha
cúi nhìn thấy sứt một chút ta.
(trích từ tập thơ "Quê tình", 1992).
(*) Bính thân = 1956; Giáp thân = 1944. Trong bản sách in, cũng là Bính thân;
đồng thời ở phần tiểu sử trên gấp bìa 1 cũng được ghi: 1946. Nhưng, 1946 = Bính tuất.
Có lẽ đây là cách nói đùa [txa. / bt.] (15-12 HB6).
Nhà thơ Hà Nguyên Dũng xác định: Bính tuất (1946). (18-12 HB6)
Nào hay
qua đò ta đã hẹn cùng sông
nào hay bao năm chưa quay lòng
nào hay lớp sóng phiêu bồng đã
cuốn dạt ta vào trong mênh mông
bao năm ta không về cùng sông
bao năm em chong mắt khô lòng
em như một chiếc sào tre dựng
ta tựa con thuyền cưỡi sóng giong
rồi nay em tay bưng, tay bồng
thì thôi lời xưa coi như không
nào hay tình em ròng như nước
nào hay em như ta long đong
bao năm tình ta còn đầy lòng
lòng ta bao năm sầu khôn đong
một ngày sẽ khẳm chìm trong đáy
ta sẽ quay lòng gối bến sông
(trích từ tập thơ "Quê tình", 1992).
Phương Nam thoáng cánh én hồi âm xuân
chiều cuối tuần! chiều cuối năm
thêm mùa đông xám làm âm u chiều
xin chào Ðà Nẵng thân yêu
bước thêm bước nữa vào phiêu bồng, và
tàu dằng dằng lúc rời ga
hú lên mấy đỗi như là luyến thương
sau tôi cả một quê hương
trước tôi cả một đoạn đường mấp mênh
núi như sóng quặn dập dềnh
rừng thâm đêm quánh tàu rền rĩ khoan
đèn ga khuya khoắt võ vàng
niềm sum vầy nỗi chia tan vơi đầy
quê nhà bóng khói chân mây
tôi không dám hẹn một ngày hàn huyên
một tôi một lái một thuyền
lòng như buồm dựng rong miền viễn khơi
tàu khoan lủng bóng đêm rồi
phương Nam thoáng cánh én hồi âm xuân.
HÀ NGUYÊN DŨNG
Nguồn:
www.songvinh.com
www.saigonline.com
Đưa lên web:
15-12 HB6 (2006)
Xem tiếp trang 3:
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi/trangcnncthoi_tho-3.htm
Trở về mục lục trang thơ của những người cùng thời
http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/trangcnncthoi/trangcnncthoi_tho.htm