Kỉ
niệm lần thứ 40
Ngày
30-4
VIỆT
NAM, ĐÀ TRƯỢT ĐỎ VÀ CHỖ NÍU VÀNG
Trần
Xuân An
25 -- 27-04
HB15 (2015)

“Một
sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà
cũng có hàng triệu người buồn”, câu nói của cố thủ tướng
Võ Văn Kiệt cách đây khoảng mười năm, nhanh chóng lan truyền và thấm sâu, đồng
thời giải tỏa uẩn ức lịch sử cho hàng chục triệu người Việt Nam. Trước đó,
người ta biết hễ đến Ngày 30-4 là chỉ được nói lên niềm vui mà thôi,
còn nỗi đau, nỗi buồn mang màu sắc có thật là “nội chiến đỏ - vàng”
lại phải tự dìm xuống, lảng tránh đi. Ông Võ Văn Kiệt đã “cởi trói” giúp toàn
dân tộc.
Đỏ,
hàng triệu người vui. Đó là sự thật. Nhưng liệu từ sau ngày 30-4-1975 khoảng
vài ba năm, niềm vui đỏ có còn trọn vẹn không? Trập trùng khó khăn, do các chủ
trương nóng vội, nghiệt ngã. Và Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt bành trướng. Rồi
tiếp theo đó, giữa những năm 80 đến đầu thập niên 90/XX, Đông Âu và Liên Xô sụp
đổ. Đỏ, như một giấc mộng vỡ. Sự thể khiến chúng ta lại trăn trở, suy tư.
1.
Đà
trượt đỏ? Tại sao không gọi là đà tiến đỏ?
Khởi
đầu là Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước, vào năm 1911. Đến Pháp, anh cũng
đã từng xin vào học ở trường đào tạo quan chức thuộc địa của Pháp,
nhưng bị từ chối. Dù vậy, việc xin vào học đó chứng tỏ, Nguyễn Tất Thành
vẫn chỉ là người cải lương chủ nghĩa. Nhưng 9 năm sau, khi Lê-nin (Lénine)
công bố “Luận cương về vấn đề dân tộc và
vấn đề thuộc địa” vào năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất
Thành) mới khởi đầu con đường cách mạng đỏ của mình. Đà tiến cách mạng đỏ Việt
Nam khởi đầu từ đó, nếu không kể đến anh lính thợ Tôn Đức Thắng phất cờ đỏ ở
Hắc Hải trước đó 1 năm với ý thức giai cấp công nhân, chứ chưa phải là ý thức
giải phóng dân tộc (vì từ Cách mạng Tháng Mười Nga, 1917, đến 1919, Lê-nin chưa
nói gì đến vấn đề này, vấn đề mà Mác [Marx], Ăng-ghen [Engels], lẫn Lê-nin và
cả Sta-lin [Staline] đều xem là thứ yếu!).
Quả
thật, thuở đó, không có một nước nào, chính đảng nào ủng hộ phong trào giải
phóng dân tộc. Dù muốn dù không, Nguyễn Ái Quốc cũng không tìm ra chỗ dựa nào
ngoài Liên Xô.
Nhiều
tư liệu còn cho thấy Nguyễn Ái Quốc không quan tâm nhiều đến đấu tranh giai
cấp, vốn là vấn đề chủ yếu của Lê-nin và của cả chế độ cộng sản ở Liên Xô, cũng
như của Quốc tế Cộng sản III, một tổ chức mà thực chất là của chính Liên Xô.
Nguyễn Ái Quốc bị bỏ rơi suốt gần mười năm, không được phân công công tác và
trả lương, phụ cấp. Ông bị Liên Xô xem là thuộc loại dân tộc chủ nghĩa
(nationaliste).
Cách
mạng Tháng Tám với "Tuyên ngôn độc
lập" do Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) đọc tại Quảng
trường Ba Đình, cho thấy ông thuộc khuynh hướng cách mạng quốc gia, phi vô sản.
Có thể do tư tưởng chính của ông và cũng một phần quan trọng là do sự ủng hộ
của Mỹ -- lúc bấy giờ Mỹ, là lực lượng quan trọng nhất nhì trong phe Đồng minh,
đang có mặt tại Việt Nam, đánh phát-xít Nhật và buộc được Nhật đầu hàng trên
toàn châu Á.
Nhưng
Mỹ nhanh chóng nhận ra Hồ Chí Minh là nhà cách mạng đỏ kì cựu, có thâm niên
theo chủ nghĩa cộng sản. Mỹ bỏ rơi Hồ Chí Minh, không trả lời nhiều thư Hồ Chí
Minh kêu gọi sự ủng hộ tiếp tục của Mỹ để có thể kháng chiến chống thực dân
Pháp, bấy giờ chúng đang tái xâm lược Việt Nam.
Mỹ,
đến lúc này, những năm cuối thập niên 40/XX, lại rơi vào sự sai lầm nghiêm
trọng. Đó là việc Mỹ xem việc lợi dụng thực dân Pháp để chống làn sóng đỏ cộng
sản ở Đông Dương và cả Đông Nam Á là thuận lợi nhất cho Khối Tự do (tư bản). Mỹ
thỏa hiệp với thực dân cũ là Pháp, khi Mao Trạch Đông đã chiếm được toàn bộ lục
địa Trung Hoa, thành lập thêm một nước cộng sản khổng lồ. Năm ấy, 1949, Mỹ bắt
đầu viện trợ cho Bảo Đại (quốc trưởng, đứng đầu Quốc gia Việt Nam), thông qua
Pháp.
Như
vậy, không còn con đường nào khác, Hồ Chí Minh phải tiếp tục đi theo con đường
đỏ, cộng sản chủ nghĩa, nhận viện trợ của Sta-lin và Mao, lệ thuộc hai lãnh tụ
đỏ này. Và Mao được Sta-lin phân công phụ trách công việc đỏ hóa cả châu Á, đặc
biệt là Đông Nam Á, trong đó có Đông Dương (Việt, Miên, Lào).
Hai
văn kiện được trích dưới đây là những dẫn chứng không thể bác bỏ:
“Đảng
Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao
Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và
kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”.
(trích “Điều
lệ Đảng Lao động Việt Nam”, Đại hội Đảng lần II, 1951).
“Cuốn
sách ‘Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại’, xuất bản năm 1954 ở Bắc Kinh, có
bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả nhiều nước chung quanh, kể cả ở Đông
nam châu Á và vùng Biển Đông.
Ý
đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của
chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam
ở Vũ Hán năm 1963:
“Tôi
sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á”.
Cũng
trong dịp này, chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên
của Trung Quốc, về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên
đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở; đối với
nước Lào đất rộng người thưa, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc
cần đưa người xuống Lào để ở.
Chủ
tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp
hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:
“Chúng
ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan,
Miến Điện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có
nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi
giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng
ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông
Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.” (*).
(trích “Sự
thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, Nhà xuất
bản Sự Thật, 1979).
Như
vậy, đến thời điểm đầu thập niên 50/XX này, và sau đó, có thể tính đến
1965, đà trượt đỏ đã hiện rõ.
Nhưng
khoan vội, hãy quay lại với thời điểm 1954.
Năm
ấy, với chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ (có sự huấn luyện, cố vấn và viện
trợ vũ khí, khí tài của Liên Xô, Trung Quốc), hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được
kí kết.
Cũng
không còn con đường nào khác hơn là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc
Việt Nam. Do đó, công đoạn đấu tố giai cấp (tước đoạt tài sản tư sản, địa chủ…)
và tiêu diệt các chính đảng quốc gia như Quốc dân đảng đã diễn ra với sự cố vấn
của Trung Quốc. Cán bộ cố vấn Trung Quốc có mặt ở từng đơn vị, từng địa phương
thôn, xã.
Kế
tiếp, để bảo vệ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã phát động
chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam, bên kia Vĩ tuyến 17. Đó cũng chính là chủ
trương của Liên Xô, đặc biệt là của Trung Quốc: đỏ hóa Đông Dương và cả Đông
Nam Á, đồng thời ghìm Mỹ, buộc Mỹ càng sa lầy tại Việt Nam càng tốt cho họ và
cho Khối Cộng sản.
Dĩ
nhiên, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã nắm chắc quan điểm: để phòng ngừa chiến tranh,
để chấm dứt chiến tranh, tốt nhất là phải bằng bạo lực chiến tranh, và, “chính
quyền từ họng súng”.
Sau
21 năm, từ 1954 đến 1975, đất nước Việt Nam cả hai miền đã được thống nhất,
dưới ngọn cờ đỏ.
Từ
đó, không còn con đường nào khác, là vẫn duy trì ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, mặc
dù Trung Quốc đã lộ rõ bản chất bành trướng từ 1956, 1974 ở Hoàng Sa, 1975 ở
biên giới Tây Nam, ở Campuchia, 1979 ở biên giới phía Bắc, 1988 ở Gạc Ma và các
đá, bãi khác tại Trường Sa, và, 1991, chỗ dựa quan trọng nhất là Liên Xô cũng
đã sụp đổ.
Khi
gọi là đà trượt đỏ, hậu thế chúng ta phải thấy rõ là trước 1920, không có nước
mạnh nào, chính đảng ngoại quốc có thực lực nào ủng hộ Việt Nam chúng ta, để có
thể đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc. Từ 1920, chỉ có
Liên Xô, và sau Liên Xô, là cả khối cộng sản ủng hộ, dĩ nhiên với điều kiện
phải lệ thuộc vào Liên Xô, phải đi theo con đường đỏ, con đường Cách mạng Tháng
Mười Nga. Trong đó, về địa chính trị, Trung Quốc là nước gần kề, được sự ủy
nhiệm của Liên Xô, và Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp phụ thuộc Trung Quốc.
Mỹ
có ủng hộ Cách mạng Tháng Tám 1945, nhưng sau đó Mỹ đã xem việc chống cộng sản
là quan trọng hơn việc ủng hộ phong trào giành độc lập dân tộc.
Với
quan điểm bạo lực cách mạng là tiên quyết, “lấy công làm thủ”, và tương kế tựu
kế theo tham vọng bành trướng và bá quyền Liên Xô – Trung Quốc, Hồ Chí Minh và
Lê Duẩn ở Hà Nội không thể không lao theo đà tiến đỏ (hay đà trượt đỏ). Vả lại,
thống nhất đất nước vốn là nguyện vọng có tính truyền thống nghìn đời của dân
tộc Việt Nam (mặc dù thực chất toàn dân không thích đỏ cũng không thích vàng).
Do đó, tình thế đã hội đủ điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát động chiến tranh
vào Miền Nam nước ta.
Đà
tiến đỏ hay đà trượt đỏ, như vậy, là từ 1920 cho đến nay, 2015.
Một
bộ phận rất lớn trong dân tộc ta thuộc khuynh hướng chính trị vàng (vì không
đỏ), nhất là những ai thuộc Miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chia cắt Nam –
Bắc (1954-1975), xin cảm thông cho bộ phận đỏ như thế.
Nhưng
đỏ có thấu hiểu vàng không? Thấu hiểu như thế nào?

Xem ảnh chụp 2 trang 16-17 lớn hơn, rõ nét hơn

Xem ảnh chụp 2 trang 18 (trang trống, sau bản đồ) - trang 19 lớn hơn, rõ nét hơn
|

2.
Lâu
nay, có quá nhiều bài báo, nhiều cuốn sách đủ thể loại viết về Miền Nam theo
quan điểm, lập trường của cấp lãnh đạo cao nhất tại Miền Bắc. Gần đây, cũng có
một ít bài viết trên mạng toàn cầu thể hiện sự khác biệt, độc lập nhận thức về
Miền Nam. Trường hợp thứ nhất, quá giống nhau, sự giống nhau của những chiếc
loa tuyên truyền được sản xuất hàng loạt (chưa nói tốt hay xấu). Trường hợp thứ
hai, có những cái nhìn riêng, nên khá phong phú, nhưng tựu trung đều cho Miền
Nam phồn thịnh hơn, dân chủ hơn, tân tiến hơn và đa dạng hơn.
Có
phải như thế không? Có thể đúng. Nhưng đó có phải là vấn đề trung tâm nhất hay
không?
Tại
sao đã hình tượng hoá tiến trình cách mạng vô sản ở Việt Nam (từ 1920, 1930 đến
nay) là “đà trượt đỏ”, lại còn
gọi gần 30 năm Quốc gia Việt Nam (1947-1955) – Việt Nam cộng hoà (1955-1975) là “chỗ
níu vàng”?
Vàng,
bắt đầu từ đâu? Từ lá cờ vàng của triều Nguyễn. Đó là lá cờ mà sau cuộc kinh đô
quật khởi và thất thủ tháng 7-1885, bị thực dân Pháp gắn vào một góc của nó lá
cờ tam sắc (cờ “tam tài”), rồi vẫn nền vàng cố hữu nhưng không còn góc tam sắc,
mà trải dài theo chiều dọc, ở giữa, là quẻ li (trong Kinh Dịch) màu đỏ, dưới
thời Bảo Đại – Trần Trọng Kim (3-1945), rồi quẻ càn đỏ, thời thành lập Quốc gia
Việt Nam với quốc trưởng Bảo Đại (1947). Đó là cờ nền vàng (căn bản) ba sọc đỏ
(có biến đổi). Lá cờ vàng này phấp phới trên đỉnh Đệ nhất cộng hoà Ngô Đình
Diệm (1955-1963) cho đến Đệ nhị cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu (1967-1975). Nó có
truyền thống, bắt nguồn từ các đời chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn độc lập và
còn độc lập (1558-1802-1885). Về mặt hình thức, nó cũng độc lập, không giống
một chút gì cờ Pháp, cờ Nhật, cờ Mỹ.
Khi
gọi chế độ chính trị ở Miền Bắc xã hội chủ nghĩa là đỏ, ấy là căn cứ vào màu cờ
cộng sản (Khối Cộng sản), nhưng ở dạng Việt Nam (cờ Việt Nam hiện hành). Còn
gọi vàng, tức là nói đến chính thể quân chủ lập hiến, tổng thống chế, nói chung
là không cộng sản (phi cách mạng vô sản), thuộc Thế giới Tự do (Khối Tư bản).
Chính xác hơn, đỏ (với hình tượng ngôi sao năm cánh, búa liềm) là màu biểu
tượng của cộng sản toàn cầu, còn vàng chỉ là màu quốc gia Việt Nam, Miền Nam
Việt Nam, trong Khối Tự do, vốn đa dạng, tuỳ ý của mỗi nước.
Vàng,
xuất phát từ vương triều chính thống Nguyễn. Mặc dù có giai đoạn bị thực dân
Pháp xâm chiếm, phải nhượng đất, phải chịu “bảo hộ” bởi Pháp sau đỉnh điểm mâu
thuẫn giữa phe chủ chiến yêu nước và thực dân Pháp (1885-1945), rồi bị phát-xít
Nhật khống chế (22-9-1940), nhất là sau khi Nhật đảo chính Pháp (09-3-1945, đến
khi Nhật đầu hàng Đồng minh, 14-8-1945), vương triều Nguyễn cũng chỉ bị xem như
nàng Kiều của Nguyễn Du, tuy phải hoàn toàn làm gái lầu xanh đến 60 năm
(1885-1945).
Hẳn
đến nay, ai cũng biết Bảo Đại trao ấn tín cho Việt Minh (Việt Minh được sự ủng
hộ trực tiếp của Mỹ), thoái vị, kết thúc vương triều phong kiến Nguyễn, trong
Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chỉ là bất đắc dĩ.
Chính
phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chí Minh khai sinh bằng bản “Tuyên
ngôn độc lập” tuyệt vời của ông, không có màu sắc đỏ, cộng
sản chủ nghĩa kiểu Liên Xô. Bấy giờ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã giả vờ giải
thể, chỉ còn là một cơ quan nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Marx). Mặt trận Việt Minh
(Việt Nam độc lập đồng minh hội) không phải đơn thuần, độc nhất cộng sản. Nó
ủng hộ Đồng minh, mà Đồng minh ở Việt Nam là Mỹ, một cường quốc mới cùng Liên
Xô đánh tan trục phát-xít Đức, Ý, Nhật trên toàn thế giới. Chính điều đó đã tập
hợp được toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhân sĩ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chính
đảng quốc gia, ngoại trừ các nhánh Đại Việt đảng bị giải thể, cấm hoạt động,
còn lại đều tham chính, như Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách
mệnh đồng minh hội (Việt Cách).
Nhưng
hầu như ai cũng đoán biết đó chỉ là sự thoả hiệp tạm thời của Hồ Chí Minh mà
thôi. Họ không phải ngây thơ, ấu trĩ đến mức không hiểu bản chất của cộng sản
là độc quyền, toàn trị. Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, đến thời điểm đó, 1945,
đã trải qua 28 năm, và cả thế giới, đặc biệt là giới trí thức, chính giới đều
hiểu chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng của cộng sản mác-xít,
lê-nin-nít (marxiste – léniniste).
Từ
16-3-1946, Bảo Đại đã thoát sang Hồng Kông. Đầu tháng 7-1946, xảy ra vụ án ở
đường Ôn Như Hầu, Hà Nội, thực chất là cuộc tranh chấp quyền lực giữa Cộng sản
với Việt Quốc, Việt Cách. Như vậy, đã có sự tan rã, sự thanh trừng trong chính
phủ liên hiệp Việt Nam dân chủ cộng hoà mới được khai sinh. Vàng, bộ phận quốc
gia chủ nghĩa, phi cộng sản, gồm các chính đảng quốc gia, các tôn giáo, biết
rằng không thể hợp tác lâu dài với đỏ, phe cộng sản, với chủ tịch Hồ Chí Minh,
vốn chủ trương chuyên chính vô sản. Họ tìm sang Côn Minh, Hồng Kông, để gặp Bảo
Đại, vận động thành lập Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Một khi Hồ Chí Minh đã kí
thoả ước chấp nhận đặt Việt Nam dân chủ cộng hoà vào Khối Liên hiệp Pháp, thì
họ, lực lượng quốc gia, cũng thế.
Tháng
12-1946, toàn quốc kháng chiến, vì thực dân Pháp sau mấy tháng theo Anh - Ấn
vào giải giới Nhật ở các tỉnh phía Nam vĩ tuyến 16, đã thực sự tái xâm lược
Việt Nam. Những người quốc gia vào chiến khu, lại xung đột với Cộng sản, nên
trở về thành, tìm đến Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu.
Lá
cờ vàng với nền vàng tượng trưng cho Phương Nam của các đời chúa Nguyễn rồi cả
vương triều Nguyễn nhất thống, thêm quẻ càn (tượng trưng cho Trời) là ba sọc
đỏ, đã trở nên “chỗ níu vàng” cho bộ phận chính trị theo khuynh quốc gia, phi
cộng sản. Họ chấp nhận đặt Quốc gia Việt Nam vào Khối Liên hiệp Pháp với nền
độc lập tương đối, có bị hạn chế và nền thống nhất đất nước cả ba kì Trung –
Nam – Bắc, và hi vọng sẽ tranh đấu dần dần cho độc lập dân tộc hoàn toàn. Họ
không thể chung vai sát cánh, cùng ý thức hệ với bộ phận cách mạng đỏ, do nhà
cộng sản kì cựu Hồ Chí Minh đứng đầu. Mỹ cũng đang và sẽ ủng hộ Quốc gia Việt
Nam.
Từ
đó, sự phân hoá đỏ - vàng trở nên gay gắt trong tình thế Chiến tranh lạnh
(1945-1991) diễn ra trên thế giới. Đỏ, ngả hẳn về phía Liên Xô, Đông Âu, và đến
năm 1949, đồng thời ngả về Trung Quốc đỏ. Mao Trạch Đông (từ nội chiến cách
mạng, rồi liên minh quốc – cộng chống Nhật, đến đuổi hẳn Trung Hoa quốc dân
đảng ra đảo Đài Loan) đã thành lập Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đỏ, vào năm
1949 ấy. Vàng, ngả hẳn về phía Pháp và Mỹ, khi biết rõ Mỹ là nguồn ủng hộ
chính. Mỹ đã viện trợ cho Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, thông qua Pháp. Quân
đội Quốc gia Việt Nam được thành lập từ đó, với mục đích chống cộng, bảo vệ
nước Việt Nam thoát khỏi “quốc hoạ cộng sản”, nói theo ngôn từ của phe vàng.
Tuy
nhiên, đến tháng 7-1954, chính phe cộng sản do Hồ Chí Minh đứng đầu, với sự
viện trợ, huấn luyện, cố vấn của Liên Xô, Trung Quốc, mới là lực lượng hoàn
toàn đánh bại thực dân Pháp, cho dù Pháp nhận viện trợ của Mỹ (đến 80% chiến
phí).
20-7-1954,
Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được kí kết, chia đôi hai miền Nam – Bắc, ranh
giới tạm thời là Vĩ tuyến 17. Bản đồ Việt Nam từ đó bị tô hai màu rõ rệt: Bắc
đỏ - Nam vàng.
Mặc
dù Trung Quốc, Liên Xô đều thoả thuận với Pháp và các cường quốc khác để lấy Vĩ
tuyến 17 làm giới tuyến, nhưng Mỹ và Quốc gia Việt Nam vẫn không kí tên. Điều
đó sẽ được thể hiện thành thực tế là Mỹ cùng Ngô Đình Diệm (07-7-1954, thủ
tướng, đại diện Thiên Chúa giáo, dưới trướng quốc trưởng Bảo Đại) quyết chia
cắt lâu dài nước ta, quyết không chấp nhận Tổng tuyển cử.
Trong
hai năm 1955-1956, Pháp hoàn toàn rút quân khỏi hai miền Nam, Bắc, không còn
dính líu gì đến nước ta nữa.
Trong
quãng thời gian đó, 26-10-1955, Ngô Đình Diệm, được sự ủng hộ của Mỹ, nhất là
Vatican, đã trở thành tổng thống, mở đầu nền Đệ nhất Cộng hoà tại Miền Nam Việt
Nam, với quốc hiệu là Việt Nam cộng hoà. Quân đội Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại
cũng đã được đồng hoá thành Quân đội Việt Nam cộng hoà.
Lá
cờ nền vàng (Phương Nam, triều Nguyễn) với ba sọc đỏ (quẻ càn: Trời) vẫn là
quốc kì. Quốc ca vẫn là bài hát chống Pháp, Nhật của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
(1939), vốn không có nội dung cộng sản, xã hội chủ nghĩa.
Từ
đó cho đến 30-4-1975, suốt 21 năm, trải qua giai đoạn Đệ nhất Cộng hoà
(1955-1963), thời biến động (1963-1967, nhiều chính phủ thay nhau) và giai đoạn
Đệ nhị Cộng hoà (1967-1975, Nguyễn Văn Thiệu), Miền Nam như một quốc gia riêng
biệt, tương tự như Tây Đức, Nam Hàn (Hàn quốc), Đài Loan, được nhiều nước trên
thế giới công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao, và đưa quân đội sang tham
chiến bảo vệ.
Vàng,
chỗ níu của bộ phận cách mạng quốc gia, của bộ phân nhân dân không thể sống
dưới chế độ đỏ, vô thần, vô sản hoá (nguyên gốc là “tam vô”), độc tài, đảng
trị, lệ thuộc “quan thầy Nga Sô, Trung Cộng” (nói theo ngôn ngữ vàng), là như
thế. Nói cách khác, vàng, không gì khác hơn là chính thể vàng (chế độ chính trị
- kinh tế tự do, tư bản chủ nghĩa). Chính thể phi cộng sản, phi đỏ (dĩ nhiên là
tư bản chủ nghĩa), là tất cả, chứ không phải cá nhân quốc trưởng hay vua, tổng
thống này hay tổng thống khác.
Ở
thế bắt buộc, cũng như tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tố giai cấp (tước
đoạt tài sản tư sản, địa chủ…), thanh trừng, tiêu diệt Quốc dân đảng và các
thành phần không thân thiện với chế độ đỏ, thì tại Miền Nam, là đánh bại và thu
phục các lực lượng Hoà Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài vốn chủ trương ủng hộ Bảo Đại,
đồng thời tố cộng, diệt cộng sản “nằm vùng”, lẫn lộn vào dân cư để kích động
bạo loạn. Máu đổ ở cả hai miền, trong đó hầu hết là những người yêu nước khác
chính kiến, và những dân oan vô tội…
Từ
1956, Lê Duẩn đã bắt đầu viết "Đề cương cách mạng Miền
Nam", chủ trương phát động chiến tranh bằng bạo lực cách mạng,
kết hợp với đấu tranh chính trị. Nghị quyết 15 (tháng Giêng 1959) của Đảng Lao
động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) đã ban hành, chính thức đưa quân Bắc đỏ
vào Nam, tiến hành chiến tranh.
Sau
21 năm chiến tranh, cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam mới được nối liền vào Ngày
30-4-1975, dưới ngọn cờ đỏ, gây ra một cuộc trốn chạy, di dân bằng
cách vượt biên, vượt biển lớn nhất trong lịch sử dân tộc và chắc hẳn cả lịch sử
nhân loại…
Bốn
mươi năm qua, sách, báo, đài, giáo dục không ngớt bôi nhọ, sỉ nhục Việt Nam
cộng hoà…
Dù
sao thì lịch sử cũng là chuyện đã rồi.
Đảng
Cộng sản Việt Nam đã có công đánh đuổi thực dân Pháp. Đó là công lao thực sự,
cho dù còn có người đòi hỏi phải cộng thêm vào công lao ấy cái tội ác là đã
theo cộng sản, rước cộng sản vào đất nước Việt Nam. Dẫu vậy, với công lao to
lớn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn xứng đáng để lãnh đạo dân tộc
Việt Nam. Tuy thế, nếu thật tâm nhận thức rõ, chủ nghĩa xã hội là ảo vọng,
không thể thực hiện trong xã hội loài người, cụ thể là trong xã hội Việt Nam,
thì nên tỉnh táo và dũng cảm tuyên bố tự giải phóng khỏi “vòng kim cô” đỏ ấy,
để dân tộc ta được hưởng tự do, dân chủ, và lấy tự do, dân chủ làm động lực
phát triển đất nước, như hầu hết các nước trên thế giới hiện nay, kể cả Nga và
các nước Đông Âu khác (các cựu đảng viên cộng sản vẫn lãnh đạo).
T.X.A.
25
– 27-4 HB15 (2015)
(*) Mặc dù có sự rạn nứt, thậm chí thù địch, giao tranh giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhưng cả hai đều viện trợ cho Bắc Việt Nam chống Việt Nam cộng hoà và chống Mỹ; đường tiếp tế từ Liên Xô ngang qua Trung Quốc không bị gián đoạn. Bài viết này không đề cập đến vấn đề đó, nhưng vẫn được trích dẫn như trên để thấy rõ tư tưởng Mao Trạch Đông, Staline…
|