Một số giải pháp góp phần bảo tồn, tôn tạo khu di tích thành Tân Sở
(trích)
TS. Nguyễn Bình
“Đi sâu vào công tác quy hoạch đầu tư, định hướng cho nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo di tích thành Tân Sở, chúng tôi xin đưa ra các nhóm giải pháp theo từng lĩnh vực như sau:
- Nhóm giải pháp bảo tồn các yếu tố gốc: Như phần đánh giá thực trạng di tích đã nêu, di tích thành Tân Sở chỉ còn lại là địa điểm ghi dấu, các công trình như thành lũy, hào thành, cổng thành cùng những kiến trúc khác hầu như không còn lại gì! Do đó, việc bảo tồn, tu bổ các yếu tố gốc hầu như không được đặt ra.
- Nhóm giải pháp phục dựng, tái tạo: Thành Tân Sở là một di tích thuộc loại hình kiến trúc thành lũy, do đó, căn cứ vào các nguồn tư liệu đã mô tả cũng như tư liệu điền dã, để phục dựng, tái tạo các yếu tố chính của di tích như: thành đất, lũy tre, hào thành, cổng thành… là rất cần thiết. Việc làm này một mặt cho chúng ta cảm nhận, gợi nhớ về dáng dấp của thành Tân Sở xa xưa, mặt khác nó cũng tạo ra một không gian cảnh quan để tổ chức lễ hội mang tính tái hiện lịch sử theo định kỳ tại di tích Tân Sở. Nếu điều kiện ngân sách và tư liệu hội đủ chúng ta có thể tái hiện công trình Hành cung, cột cờ, giếng nước, súng thần công…
- Nhóm giải pháp tôn tạo, tôn vinh: Tại khuôn viên di tích trên cơ sở kiến trúc của Hành cung, cần thiết phải xây dựng một công trình Bảo tàng Cần Vương; nhằm trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích thành Tân Sở và phong trào Cần Vương chung trong cả nước là hết sức cần thiết. Thông qua trưng bày bảo tàng là nhằm tư liệu hóa, các sự kiện lịch sử về Tân Sở – Cần Vương tại một di tích hầu như chỉ còn là phế tích, địa điểm ghi dấu; đồng thời với vai trò là trung tâm dấy nghĩa Cần Vương, Tân Sở xứng đáng có một Bảo tàng Cần Vương mang tầm vóc Quốc gia.
+ Hình ảnh vị vua trẻ tuổi, yêu nước Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế với cung vàng, điện ngọc, để cùng quan quân đi kháng chiến, hạ chiếu “Cần Vương” tại Tân Sở, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc cứu nước và 2 vị quan Đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là linh hồn của phái chủ chiến, những nhân vật lịch sử đã gắn bó với Tân Sở – Cần Vương cần phải được suy nghĩ để có giải pháp tôn vinh, khắc họa bằng các hình thức như tượng đài, phù điêu…
+ Thành Tân Sở là một di tích độc đáo và duy nhất của phong trào Cần Vương của cả nước. Với những ý nghĩa đó, bài Hịch Cần Vương đã trở thành lời hiệu triệu, tiếng kèn xung trận, dấy lên một phong trào từ Nam chí Bắc… Do đó, nên tìm tòi, lựa chọn giải pháp để chuyển tải toàn bộ nội dung bài Hịch tại di tích Tân Sở thì hiệu quả tái hiện lịch sử sẽ cao và tính giáo dục truyền thống yêu nước sẽ sâu sắc, sinh động.
+ Ngoài ra trong khuôn viên di tích cần quy hoạch một không gian lễ hội rộng, có sức chứa 2 đến 3 ngàn người, nơi sẽ được diễn ra các lễ hội gắn với phong trào Cần Vương theo định kỳ. Các điểm di tích liên quan, nơi đã từng gắn bó với các sự kiện hoặc các nhân vật lịch sử của phong trào Cần Vương tại vùng Cùa, cần phải được nghiên cứu để có hình thức bảo tồn như cắm bia biển ghi dấu sự kiện…
+ Một hình thức tôn vinh, ghi dấu khá hiệu quả, đó là đặt tên các nhân vật lịch sử, các phong trào tiêu biểu gắn với các công trình công cộng và các con đường trên địa bàn. Tại vùng Cùa hiện nay đã có một ngôi trường Trung học Cơ sở được mang tên trường Hàm Nghi, đây là việc làm có ý nghĩa; còn những con đường trên vùng Cùa thuộc hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa đã được nhựa hóa hoặc đã quy hoạch mở rộng, nên chọn tên các nhân vật lịch sử gắn với Tân Sở – Cần Vương để đặt tên đường như: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, Phan Đình Phùng, Lê Trực, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích…
Qua hội thảo “Thành Tân Sở với phong trào Cần Vương”, với những đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, chúng tôi mong rằng một đề án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích Tân Sở sớm được hình thành và thực thi.”
TS. NGUYỄN BÌNH
http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=99&modid=488&ItemID=27358
Cũng có thể xem với dạng quét chụp (scan) theo nhan đề link-hóa ở bảng danh mục tham luận bên trên.
CÁC BÀI LIÊN QUAN
(xem trong: Trần Xuân An -- "Bàn thêm về mấy vấn nạn sử học", khảo luận - phê bình - trao đổi, 2005-2008)
I. Khảo luận (chính):
(số thứ tự trong sách)
4. Gs.Ts. Yoshiharu Tsuboi hiểu lầm bản tuyên cáo 16-6-1874 của Tôn Thất Thuyết
5. Sách lược “hai mặt” ở Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi -- trả lời một thắc mắc
6. Về cái được gọi là “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889”
7. Bàn thêm về Thông báo cần vương (Cáo dụ Cần vương), Dụ Cần vương, Chiếu Cần vương
8. Phan Bội Châu trong quan hệ với Thiên Chúa giáo
9. Về tấm ảnh Phan Bội Châu và Cường Để chụp chung
10. Chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề của Phan Bội Châu
II. Trao đổi (phụ):
(số thứ tự trong sách)
2. Trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về bài viết: “Sau ngày thất thủ kinh đô (05-7-1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng”
6. Báo chí giới thiệu, bình luận sách mới của Trần Xuân An nhưng vẫn tránh né một trong hai mảng chủ đề cốt yếu thuộc nội dung chính (thêm một vài lời)
7. Nghĩ về các trích đoạn đề cập đến phong trào Văn thân & Cần vương chống Pháp (1883-1885-1886) từ bài viết “Cố Điện” của cố học giả Hoàng Xuân Hãn
8. Tiếp thu sự góp ý của ông Vương Đình Chữ về các ông Nguyễn Hoàng (Hoằng), Nguyễn Hữu Cư và Thierry D’Argenlieu
10. Ý kiến ngắn: Từ chân lí, sự thật lịch sử & tiêu chí nhận định: Có nên tôn vinh những nhân vật lịch sử đầu hàng, thoả hiệp (Phan Thanh Giản, Võ Trọng Bình, Hoàng Tá Viêm, Hàm Nghi, Duy Tân)? -- Cải táng di cốt vua Hàm Nghi tại Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị, nơi phát Dụ Cần vương bi tráng